Mấy tháng trở lại đây, thị trường bất động sản (BĐS) xuất hiện nhiều thông tin rao bán BĐS như kiểu “xả hàng cắt lỗ”, “thanh lý cần bán gấp”, “ngân hàng siết nợ cần bán gấp”… nhưng liệu có lỗ như lời rao.
Thường những người đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường họ sẽ mua khi thị trường trầm lắng và bán khi sôi động. Trong khi đó, đối với những nhà đầu tư mới thì họ lại thường lào vào khi thị trường đang sốt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chỉ thích hợp với những nhà đầu tư có dòng tiền sẵn và tiềm lực tài chính mạnh, muốn đầu tư dài hạn.
Với các nhà đầu tư, bây giờ là giai đoạn cần phải nghe ngóng thêm về những tin tức về chính sách vĩ mô của nền kinh tế, lãi suất, để từ đó tìm được sản phẩm đáng để đầu tư và phù hợp với nhu cầu.
Khi nhà đầu tư hoặc khách hàng mua ở các sản phẩm vùng ven của đô thị lớn như TP.HCM, cần xem xét các phân khúc. Song song, nhà đầu tư cần bao quát góc nhìn về giá ở mỗi khu vực, xem nhiều dự án và đưa ra quyết định đúng đắn để tránh phải trường hợp “thổi giá” lên quá cao. Lúc đó, nếu mua vào, đầu tư sẽ không hiệu quả, thậm chí là lỗ.
Ông N.H.V, Giám đốc doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM nhìn nhận, thị trường thứ cấp đã xuất hiện một số nhà đầu tư “xả hàng” vì sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Tuy nhiên, phần lớn những thông tin quảng cáo thời gian qua chỉ để tăng tương tác. Một số sản phẩm dự án rao bán chỉ như cắt chút lãi, chưa bán lỗ hay chạm giá gốc. Hoặc có những sản phẩm giảm giá nhưng pháp lý không rõ ràng, vị trí không thuận tiện. Còn đối với riêng phân khúc căn hộ, giá chỉ có đi lên vì đáp ứng nhu cầu ở thực.
“Nhiều tin rao cắt lỗ, giảm giá sâu trên thị trường phần lớn là không lỗ, thậm chí vẫn có lãi nếu khấu trừ các ưu đãi lúc đầu của chủ đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến của thị trường, nghe ngóng và lựa chọn những sản phẩm tốt”, ông N.V.H nói và cho rằng, với những dự án tốt thì đây cũng là thời điểm hợp lý để khách hàng có sẵn tiền mua bởi có nhiều chính sách hấp dẫn.
Báo cáo thị trường tháng 10 của DKRA Group cũng đã cho thấy, dù thị trường phía Nam ảm đạm nhưng giá của các phân khúc vẫn tăng. Đối với phân đất nền, nguồn cung mới chỉ bằng 21,4% cùng kỳ năm 2021, chủ yếu tại Long An và Đồng Nai. Nhu cầu trên thị trường giảm mạnh, tỷ lệ tiêu thụ toàn thị trường chỉ đạt khoảng 27%, giảm đến 84,1% so với cùng kỳ năm 2021. Các dự án mở bán trong tháng có mặt bằng giá sơ cấp tăng khoảng 0,25-8% so với lần mở bán trước đó. Ở thị trường thứ cấp, các dự án có mức giá đi ngang hoặc tăng 2% so với tháng 9.
Đối với phân khúc căn hộ, nguồn cung mới trong tháng ghi nhận tăng đáng kể, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thanh khoản thị trường sơ cấp tiếp tục ở mức thấp với tỷ lệ hấp thụ ở các dự án chỉ dao động từ 20-60% lượng sản phẩm mở bán. Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng 4-10% so với đầu năm.
Đối với kinh doanh BĐS, nhà đầu tư, khách hàng cần đoán “đáy”, “đỉnh”, dùng đòn bẩy tài chính và điều này cũng giống như việc mua cổ phiếu. Từ đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến ừng phân khúc BĐS, vị trí dự án, khu vực, địa phương. Có thể nói, BĐS là một lớp tài sản, do đó, khi nào lãi suất chưa đạt “đỉnh” thì giá tài sản chưa thể đạt “đáy”. Hiện nay, lãi suất ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh và có thể đến cuối năm 2023 mới đạt đến đỉnh.
Tổng Hợp