6 tháng đầu năm 2022, chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì trong khi khu vực tài chính và ngân hàng phải đối mặt với rủi ro gia tăng. Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 8/2022 của World Bank nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực sau 2 năm đại dịch. NHNN đã thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những quan ngại về rủi ro của hệ thống ngân hàng là yếu tố rất đáng được chú ý. Đây sẽ là một trong những vấn đề làm tăng thêm mức độ khó khăn của các nhà điều hành khi đối mặt với các rủi ro đến từ lạm phát, trong những tháng cuối năm.
Ở góc độ tài khóa cho 6 tháng cuối năm, theo World Bank khuyến nghị, những chính sách mang tính hỗ trợ là cách để phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng kinh tế. “Cho dù Việt Nam có dư địa tài khóa để thực hiện nhưng thách thức nằm ở những yếu kém trong triển khai”, do đó, việc giải quyết các ách tắc, đẩy mạnh đầu tư công theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong ngắn hạn và mở rộng mạng lưới an sinh là những giải pháp có tính hiệu quả thiết thực.
World Bank đánh giá, mặc dù ổn định tài chính nhìn chung được đảm bảo, nhưng chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là một quan ngại và cần phải liên tục theo dõi. Số liệu nợ xấu chính thức vẫn ở mức thấp trong quý I/2022: 1,53% đối với nợ xấu nội bảng và 3,41% nếu tính cả nợ tại Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC).
“Trong trường hợp tính cả nợ xầu tiềm ẩn từ các khoản nợ đã được tái cấu trúc, tỷ lệ nợ xấu điều chỉnh ước tính lên đến 5,76%. Tín dụng tiêu dùng có vẻ xấu đi đáng kể, với tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng phi ngân hàng tăng vọt lên đến 9,6% trong năm 2021 so với 5,5% trong năm 2020.
Vốn mỏng ở các ngân hàng và tỷ lệ dự phòng khác nhau (bình quân 142% nợ xấu trong tháng 12/2021 nhưng có thể thấp đến 35% ở một số ngân hàng) tiếp tục là vấn đề quan ngại. Các ngân hàng phải duy trì nợ xấu ở mức cao hơn đáng kể, đặc biệt là khi giai đoạn thực hiện các biện pháp giãn thời gian trả nợ kết thúc vào tháng 6/2022. Tỷ lệ an toàn vốn bình quân (CAR) tăng nhẹ lên 11,47% trong quý I/2022 (so với 11,3% trong quý 1/2021) do một số ngân hàng tích cực tăng vốn chủ sở hữu và nợ trong năm qua, tận dụng tâm lý tích cực trên các thị trường vốn”, báo cáo của các chuyên gia nhận định.
Định chế này cũng cho rằng mặc dù tỷ lệ an toàn vốn của toàn hệ thống vẫn cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng vẫn tương đối thấp. Tỷ lệ vốn theo quy định ở một số ngân hàng chỉ cao hơn một chút so với yêu cầu tối thiểu. Rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản có thể tăng trong bối cảnh phương thức huy động vốn thiếu minh bạch và định giá quá cao và phần nào do đầu cơ. Giá bất động sản nhà ở tại các thành phố lớn, như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, được biết đã tăng thêm từ 30% đến 60% trong hai năm qua, trong khi tỷ lệ hấp thụ (doanh số bán trên giá trị hàng tồn) tương đối thấp, ngoại trừ ở một số ít phân khúc. Trong khi đó, với việc NHNN áp dụng các biện pháp thặt chặt hoạt động cho vay bất động sản trong mấy năm qua, các doanh nghiệp bất động sản bắt đầu quay sang huy động vốn trên thị trường trái phiếu, nhằm tiếp cận số lượng nhà đầu tư đông đảo hơn, trong đó có cả các nhà đầu tư cá nhân.
World Bank nhắc đến những lệnh bắt giữ vì lý do trình bày thông tin sai lệch và sử dụng kênh phát hành riêng lẻ không đúng mục đích và cho rằng một số ngân hàng được biết đang có quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp bất động sản, làm dấy lên quan ngại về những vấn đề tiềm tàng trên thị trường bất động sản có thể lan sang khu vực ngân hàng.
Theo World Bank, trong sáu tháng đầu năm 2022, NHNN duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%, tiếp tục hướng dẫn về tái cơ cấu thời gian trả nợ vốn vay, và khuyến khích các ngân hàng thương mại miễn, giảm lãi suất và phí để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Hướng dẫn về tái cơ cấu thời gian trả nợ kết thúc vào cuối tháng 06/2022. Những chính sách này giúp duy trì tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và đảm bảo thanh khoản dồi dào trên thị trường.
NHNN cũng theo dõi lạm phát gia tăng do cú sốc về giá cả hàng hóa thế giới, tập trung vào quản lý lạm phát qua phối hợp chặt chẽ hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đặc biệt trong triển khai gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023.
Trong những tháng đầu năm 2022, các ngân hàng bắt đầu thu hút tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng tốc. Đến tháng 06/2022, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng ước tăng 11,2%, đảo chiều sau khi giảm vào tháng 12/2021, ở mức 10,3%. Mặt khác, tăng trưởng tín dụng cũng tăng từ 13,6% trong tháng 12/2021 lên 16,9% trong tháng 6/2022. Xu hướng tăng tốc trên gây thêm áp lực nhẹ lên thanh khoản trong khu vực ngân hàng và nâng mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên trên 2% đối với kỳ hạn 2 tuần, so với mức dưới 1% cùng kỳ năm trước. Lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tăng đến trên 3% cho kỳ hạn 10 năm so với mức 2,4% cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, thanh khoản của hệ thống tài chính – theo chỉ tiêu về cung tiền M2 – vẫn được duy trì ở mức cao, vào khoảng 600 tỷ US$ trong tháng 05/2022 (tương đương mức tăng 10,3% so với tháng 05/2021).
Tổng Hợp