Báo cáo kết quả rà soát, làm việc với một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Tổ phó Tổ công tác cho biết vướng mắc của các dự án bất động sản đang triển khai chủ yếu liên quan đến thể chế…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Tổ phó Tổ công tác cho biết vướng mắc của các dự án bất động sản đang triển khai chủ yếu liên quan đến thể chế, quy định pháp luật trong quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị và xây dựng; nguồn vốn tín dụng; phát triển nhà ở xã hội, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở kết quả kiểm tra, phân nhóm các vướng mắc để xác định các giải pháp tháo gỡ, xác định rõ nguyên nhân do tổ chức thực hiện ở địa phương, hay do bất cập trong các thông tư hướng dẫn, nghị định, luật,…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết nhiều vướng mắc do doanh nghiệp bất động sản, địa phương phản ánh chủ yếu liên quan đến công tác tổ chức thực hiện như dự án có một phần đất công xen kẽ, một số dự án thuộc trường hợp “phân lô, bán nền”. Cùng với đó, vướng mắc liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hoá đã có hướng dẫn cụ thể nhưng tổ chức thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật;…
Một số vướng mắc vừa qua đã được Chính phủ giải quyết trong Nghị định sửa đổi một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Bên cạnh đó, cũng có một số bất cập, hạn chế từ thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh trong thông tư, nghị định, luật… cần tiếp tục sửa đổi trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành khẩn trương rà soát sửa đổi các thông tư hướng dẫn theo thủ tục rút gọn; đề xuất các vấn đề cần sửa đổi trong các nghị định liên quan theo phương án “một nghị định sửa nhiều nghị định”; tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong quy định luật hiện hành, trường hợp thực hiện sai luật để báo cáo và kiến nghị cấp có cấp thẩm quyền cho ý kiến.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ cũng nêu thực tế nhiều dự án bất động sản đang bị vướng mắc, chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư, thực hiện quyền chuyển nhượng đối với các dự án nhà ở, khu đô thị; các dự án xây dựng – chuyển giao (BT) phải tạm dừng sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực… Một trong những nguyên nhân quan trọng là do áp dụng các quy định luật thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, chồng chéo hoặc luật chưa quy định.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, đưa nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào các dự thảo luật liên quan (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…) đang trình Quốc hội bảo đảm thống nhất, đồng bộ, sát thực tiễn và đề xuất những điều khoản thi hành có hiệu lực ngay khi dự án luật được Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương khẩn trương rà soát, tháo gỡ ngay vướng mắc do công tác tổ chức thực hiện chưa đúng quy định pháp luật, hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2023.
Báo cáo Phó Thủ tướng về công tác bảo đảm nguồn vốn tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết sau Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN đã thực hiện hạ lãi suất điều hành, yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) hạ lãi suất, cho vay tất cả các đối tượng doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản; người mua nhà ở trực tiếp ở mọi phân khúc.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN đã chỉ đạo các NHTM, từ ngày 1/4, vào cuộc cho vay đối với chủ đầu tư (giảm 1,5%/năm so với lãi suất hiện hành) và người mua nhà 1 lần (giảm 2%/năm so với lãi suất hiện hành) của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Tổng Hợp
(Dân Việt)