Thời gian tới, doanh nghiệp bất động sản sẽ có những chiến lược mới, sẽ tập trung phát triển các dự án đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Nhưng việc đầu tư vùng ven nội đô đang là tất yếu.
Các vùng ven, vùng ngoại thành đang trở thành đích đến của các doanh nghiệp phát triển bất động sản và các nhà đầu tư. Thị trường xuất hiện xu hướng xách va li đi đầu tư ở các thị trường mới gần các thị trường trung tâm, do đó dòng vốn bất động sản đang có sự dịch chuyển ra khỏi thành phố lớn. Nhu cầu chọn lựa mua nhà ở cũng đề cao tiêu chí về vị trí, chất lượng sống, không gian sống xanh của nơi ở.
Tại thị trường Việt Nam, việc giao dịch, bán nhà cho người nước ngoài sụt giảm mạnh, cùng với đó nguồn cung mới trên thị trường cũng giảm sút. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản trên toàn quốc giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch, tăng 136% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp bất động sản nào cũng gặp những khó khăn nhất định, một mặt do tâm lý phòng thủ trên thị trường, đồng thời doanh nghiệp cũng không có nguồn hàng để bán.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực. Xét đến cùng, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư được tin tưởng nhất hiện nay và có triển vọng để phục hồi khá khả quan trong thời gian tới.
Đáng chú ý, có thể thấy thị trường bất động sản tại các thành phố nhỏ hay bất động sản tại thị trường địa phương vẫn đang hoạt động, thậm chí có những thời điểm giá bất động sản vẫn tăng bất chấp dịch. Một trong những nguyên nhân đó là Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh rất tốt. Mặt khác, hiện nay vẫn còn tâm lý nơi nào càng đông dân cư thì thị trường càng bị ảnh hưởng lớn và các phân khúc bất động sản thương mại càng hứng chịu thiệt hại lớn.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý III-2020 của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) vừa công bố, thị trường bất động sản nước ta đang có dấu hiệu khởi sắc với nhiều tín hiệu tốt, tỷ lệ hấp thụ từ các sản phẩm mới ghi nhận tăng so với các quý trước. Điều này cho thấy thị trường đã có sự phục hồi đáng kể so với đầu năm nay.
Cụ thể, tổng lượng sản phẩm nhà ở được bán trên toàn thị trường trong quý III-2020 đạt 73.933 sản phẩm. Khu Tây ghi nhận nguồn cung tăng nhẹ với nguồn cung mới 377 căn hộ với tỷ lệ tiêu thụ rơi vào mức cao bậc nhất trong các khu vực với hơn 80%. Điều này cho thấy xu hướng đầu tư bất động sản vùng ven, nhất là khu Tây đã hình thành rõ nét tại thị trường. Lý giải cho hướng đi mới của các nhà đầu tư trong thời gian trở lại đây, đại diện Công ty Cổ phần Địa ốc Thắng Lợi (Thắng Lợi Group) – đơn vị bất động sản có 10 năm am hiểu thị trường bất động sản vùng ven cho rằng chính tốc độ đô thị hóa của TP.HCM tăng cao, quỹ đất trung tâm một ngày hạn hẹp là một trong những yếu tố chính.
Trong đó, khu Tây có tỷ lệ tiêu thụ cao nhờ vào sự phát triển hạ tầng, giá cả tầm trung, vừa túi tiền với nhiều nhà đầu tư nhỏ, lẻ đang tìm kiếm khu vực có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao.
Năm 2020, thị trường bất động sản TP.HCM khan hiếm nguồn hàng mới do ách tắc về pháp lý, mặt khác giá bất động sản tại đây đang được đẩy lên quá cao. Với vị thế tiếp giáp TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai – thị trường có quỹ đất rộng, giá cả thấp hơn nhưng đang có sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, trở thành điểm đến với các nhà đầu tư, người mua có nhu cầu ở.
Về giá nhà, trong một thập niên qua, thị trường bất động sản chia thành nhiều đợt biến động. Giá nhà đất đi ngang vào giai đoạn 2008 – 2010. Bước sang giai đoạn 2011 – 2013, giá bất động sản xuống dốc không phanh, nhiều nhất là gần 50%. Đến thời điểm 2014 – 2019 thì quay lại xu hướng tăng mạnh từ 50 – 300%. Tính đến hiện tại, giá nhà đất ở nơi tăng thấp nhất trung bình cũng gấp 3 lần so với năm 2011.
Nguồn cung bất động sản hạn chế do việc kiểm soát về pháp lý chặt chẽ từ Chính phủ, các chính sách được ban hành khiến cho nguồn cung của thị trường bị ảnh hưởng. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, đồng thời thay đổi tất cả hành vi của người tìm kiếm bất động sản. Giờ đây, người mua và người bán có thể thông qua hình thức công nghệ để tìm đến với nhau.
Hàng chục năm trước, bất động sản vùng ven ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM bắt đầu nổi lên, nhưng “cuộc chơi” này mới lẻ tẻ một vài nhà phát triển BĐS tham gia.
Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, bắt đầu rõ nét hơn với sự đầu tư ở tất cả các lĩnh vực của BĐS khiến thị trường sôi động, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt. Đây dường như là bước đệm để những thị trường có quỹ đất lớn nhưng chưa có cơ hội phát triển, được gia nhập cuộc chơi mới, bổ sung thêm nguồn lực cho thị trường 2021.
Bất động sản vùng ven đang trở thành ‘miếng bánh’ béo bở được các nhà đầu tư cạnh tranh quyết liệt.