Một số ngân hàng đã có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt sau ba năm không thực hiện hình thức phân phối lợi nhuận này theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). VPBank, VIB, ACB đã lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023…
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB – Mã: VIB) đã thông báo sau khi kết thúc năm tài chính 2022, ngân hàng có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tức mỗi cỏ đông sở hữu một cổ phiếu VIB có thể nhận được 3.500 đồng cổ tức.
“Con số 35% này thậm chí có thể cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022”, VIB cho biết.
Lãnh đạo VIB cho hay ngân hàng sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của NHNN.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB), tại ĐHĐCĐ năm 2022, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cho biết HĐQT ngân hàng dự kiến từ năm sau sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.
“Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà HĐQT dự kiến từ năm sau sẽ trình ĐHĐCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm”, ông Dũng chia sẻ.
Nếu được NHNN chấp thuận, đây là lần đầu tiên VPBank thực hiện trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu. Trước đó, ngân hàng này mới chỉ chia cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.
Với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – Mã: ACB), kế hoạch lợi nhuận và phân phối lợi nhuận năm 2022 cũng đã được ĐHĐCĐ thông qua với kế hoạch chia cổ tức 10% bằng tiền mặt. Bên cạnh đó ngân hàng cũng có kế hoạch chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu.
Đây là lần đầu tiên ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt sau 7 năm. Năm 2015, ACB đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% tức cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận 700 đồng.
Giai đoạn 2020-2022, NHNN đã ba năm liên tiếp kêu gọi các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm giúp bản thân các nhà băng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hầu hết ngân hàng đã lựa chọn việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, giúp gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.
Trong ba năm 2020 – 2022, VIB chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông trong với tỷ lệ 20% trong năm 2020, 40% trong năm 2021 và 35% trong năm 2022, chưa kể ESOP và cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.
Với ACB, đã triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với việc phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ thực hiện quyền là 25% tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu hiện tại sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới.
Năm 2022, VPBank cũng đã phát hành 30 triệu cổ phiếu quỹ VPB cho người lao động theo chương trình ESOP, tương đương với 0,675% tổng số cổ phiếu đang lưu hành với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu ESOP này bị hạn chế chuyển nhượng tối đa ba năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mạnh 2 điểm % lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài ra, câu chuyện tăng vốn sẽ lại là một chủ đề đáng chú ý trong năm tới, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh.
Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận của ngành dự báo sẽ giảm tốc và đạt 10-11% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% so với cùng kỳ của năm 2022) do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.
Tổng Hợp
(Thời Báo Ngân Hàng, Doanh Nghiệp và Kinh Doanh)