Nguồn vốn tín dụng chính là “bà đỡ” của doanh nghiệp bất động sản, nhất là sau khi doanh nghiệp đã bỏ nguồn vốn lớn để tạo lập quỹ đất dự án nên rất cần được vay vốn tín dụng để đầu tư xây dựng các công trình đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trả lời VTC News, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường BĐS đang rất khó khăn. Có thể nói 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất khi gần 1.200 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 38,7% so với năm 2021. Do đó, 2023 là năm có tính quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp BĐS.
“Nhiều doanh nghiệp BĐS thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản” nên đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, chuyển nhượng bớt dự án…nhưng vẫn không tìm được người mua; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50-70% số lao động, giảm lương từ 30-50%…”, ông Châu thông tin.
Bên cạnh việc cần thiết phải tháo gỡ vướng mắc pháp lý, theo ông Châu, nguồn vốn tín dụng chính là “bà đỡ” của doanh nghiệp bất động sản, nhất là sau khi doanh nghiệp đã bỏ nguồn vốn lớn để tạo lập quỹ đất dự án nên rất cần được vay vốn tín dụng để đầu tư xây dựng các công trình đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng cũng là “bà đỡ” cho người mua nhà, từ đó tạo nên dòng tiền, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản. Vì thế, hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà cũng là hỗ trợ cho thị trường bất động sản phục hồi.
Từ đó, ông Châu đề nghị NHNN xem xét cho phép nới tiêu chí để doanh nghiệp được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ, được khoanh nợ xấu với một số khoản nợ nhóm 2, nhóm 3 để có thể được vay vốn tín dụng mới với dự án sản có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc.
HoREA cũng kiến nghị giãn lộ trình quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa 34% nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn đến hết ngày 31/12/2024 và về mức 30% kể từ ngày 1/1/2025 để có thêm nguồn vốn cho vay.
Sau Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong đó có việc giãn nợ và lãi vay cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn: gồm doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng…).
Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và có biện pháp giảm lãi suất cho vay. Các tổ chức tín dụng cũng cần bám sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và có những giải pháp kịp thời để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững. Tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp…
Chính phủ cũng định hướng NHNN điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội; Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.
Về nguồn vốn trái phiếu, Chính phủ yêu cầu kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời, tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh…) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh nêu nhận định, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề pháp lý của các dự án vì quá trình triển khai rất lâu. “Một dự án từ khi chuẩn bị cho đến khi được khởi công thường phải mất 4 – 5 năm hoặc nhiều hơn thế. Cho nên cơ sở pháp lý để đầu tư dự án là một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng cần phải tháo gỡ nếu vướng mắc”, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, khó khăn có khi cũng xuất phát từ việc một số doanh nghiệp ôm đồm quá nhiều dự án. “Có doanh nghiệp triển khai đồng loạt 5 – 10 dự án, thậm chí là hàng chục dự án mà không kêu gọi được vốn để hoàn thiện sẽ không ổn. Doanh nghiệp lúc này cần xem dự án nào đã hoàn thành được 80 – 90% thì tập trung vào dự án đó, để sớm có sản phẩm bán ra thị trường. Với những dự án chưa khởi công hoặc khởi công rồi mà hiệu quả không cao, doanh nghiệp nên bán hoặc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tìm kiếm nguồn vốn để tập trung vào những dự án trọng điểm” , ông Thịnh đề xuất.
Tổng Hợp
(VTC New)