Vốn điều lệ ngân hàng tư nhân gấp đôi nhóm quốc doanh, tổng tài sản có của khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tăng 9% so với cuối năm trước lên 6,6 triệu tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng tài sản của toàn hệ thống.
Trong khi đó, khối NHTM Nhà nước (gồm AgriBank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Đại Dương), tăng 7,22%, ở mức 6,2 triệu tỷ đồng, chiếm 41,18% tổng tài sản toàn hệ thống. Các ngân hàng nước ngoài có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong 2 năm trở lại đây. Tổng tài sản của nhóm này chỉ tăng 3,1% trong 9 tháng đầu năm lên hơn 1,5 triệu tỷ đồng.
Năm 2021 là năm của những “cuộc đua” về tăng vốn. Đây cũng là nhu cầu thường trực của các ngân hàng khi vốn chủ sở hữu đa phần còn mỏng hoặc cần gia cố thêm để nâng cao khẩu vị an toàn vốn. Từ đầu năm đến nay, 19 ngân hàng liên tục đẩy mạnh tăng vốn bằng nhiều hình thức và đã nhận được sự chấp thuận chính thức về tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bao gồm các ngân hàng có vốn Nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV; các ngân hàng thuộc khối tư nhân gồm SHB, VP Bank, TP Bank, OCB… Tính đến thời điểm 30-6-2021, VietinBank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ với 48.058 tỷ đồng.
Tài sản có của nhóm công ty tài chính giảm 0,8% trong 9 tháng, xuống 227.075 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài chỉ tăng 3%, ở mức gần 1,57 triệu tỷ đồng.
Vốn điều lệ toàn hệ thống ở mức 750.580 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm, chủ yếu từ đến từ các ngân hàng thương mại. Vốn điều lệ của khối NHTM Cổ phần 348.481 tỷ đồng, tăng gần 10% trong 9 tháng, chiếm 62% tổng vốn toàn ngành. Trong khi đó, khối NHTM Nhà nước ở mức 169.690 tỷ đồng, tăng 9%, chiếm 24% toàn hệ thống. Vốn điều lệ của các công ty tài chính, cho thuê tài chính tăng 14,78% lên hơn 35.077 tỷ đồng.
Về tỷ lệ an toàn vốn CAR áp dụng theo Thông tư 41 (Basel II), các NHTM Nhà nước ở mức 9,17%, cao hơn mức tối thiểu 8%. Trong khi đó, các NHTM cổ phần áp dụng Basel II có CAR đạt 11,38% và nhóm ngân hàng nước ngoài đạt 18,94%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống cập nhật đến tháng 9 là 25,09%. Cụ thể hơn, tỷ lệ này tại NHTM Nhà nước là 27,91%, NHTM cổ phần là 28,39% và tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính là 37,25%.
Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%. Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%. Về khả năng sinh lời, ROA và ROE của nhóm NHTM Nhà nước đến cuối quý II là 0,55% và 9,48%. Trong khi đó, nhóm NHTM Cổ phần cao hơn lần lượt là 0,87% và 10,23%.
Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi toàn hệ thống theo con số cập nhật mới nhất là 72,23%; trong đó, tỷ lệ này của nhóm NHTM nhà nước là 80,93%, của nhóm NHTMCP là 70,64%, nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 41,49%. Các tỷ lệ này đều nằm khá sâu dưới giới hạn NHNN quy định. Trong khi đó, về khả năng sinh lời của các nhà băng, số liệu cập nhật đến hết quý 2/2021 cho thấy, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cao nhất thuộc về nhóm công ty tài chính, cho thuê với 1,45%, đứng thứ hai là Ngân hàng chính sách xã hội (0,89%) và ROA của nhóm NHTMCP đứng thứ ba khi đạt 0,87%.
ROA của nhóm NHTM nhà nước ở mức khá thấp, đạt 0,55%, đứng trên ngân hàng liên doanh, nước ngoài (0,37%) và Ngân hàng Hợp tác xã (0,19%), đồng thời, thấp hơn ROA trung bình của toàn hệ thống là 0,68%. Đối với chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), khối ngân hàng thương mại cổ phần đang dẫn đầu với 10,23%, tiếp đến là Quỹ tín dụng nhân dân với 9,79%. ROE của khối NHTM Nhà nước đứng thứ ba với 9,48%.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)