Giới chuyên gia cũng nhận định, đà tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục khởi sắc trong các tháng còn lại của quý II-2021, đặc biệt đối với các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, du lịch. Nhưng thực tế trong trường hợp đại dịch xảy ra thì nguồn vốn vẫn đang linh hoạt.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tính đến ngày 16-4, tín dụng toàn nền kinh tế đã chạm mức 9,49 triệu tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Trong đó, cơ cấu tín dụng đã có sự dịch chuyển rõ rệt, chủ yếu tập trung ở khu vực sản xuất kinh doanh và các ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên phát triển. Với diễn biến trên thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tín dụng vào chứng khoán, bất động sản không cao vì trên thực tế, các lĩnh vực này vẫn luôn được NHNN kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, cũng không nên quá cực đoan khi nhìn về tín dụng bất động sản.
Trong năm 2021, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, trong quý I-2021, OCB cho vay tăng 5% so với cuối năm 2020. Trong đó, khoảng 25% tập trung vào bán lẻ và sản xuất. Kết thúc quý I-2021, Sacombank cũng đã có mức tăng trưởng chạm room tín dụng NHNN cấp ở mức 5,8%. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết, trên cơ sở mức tăng trưởng tín dụng cho phép của NHNN và diễn biến tình hình kinh doanh trong năm 2021, ngân hàng sẽ điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng cho vay sản xuất kinh doanh phù hợp. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết, quý I-2021, Vietcombank đã hoàn thành 35% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm với mức tăng trưởng 3,7% so với cuối năm 2020. Với đà tăng tín dụng khá tốt, Vietcombank hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10,5% trong năm 2021 – mức tăng trưởng lớn nhất được NHNN giao trong các tổ chức tín dụng.
Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết nguồn tiền chảy vào bất động sản thời gian qua chủ yếu là tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn kiều hối. Để kiểm soát dòng tiền chảy vào lĩnh vực bất động sản, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, Nhà nước cần kiểm soát chặt nguồn tiền có nguồn gốc không rõ ràng. Đồng thời ngành ngân hàng cần kiểm soát chặt tiền cho vay để tránh việc người dân mượn cớ vay tiền xây nhà, sửa nhà, mua nhà nhưng thực chất là “lướt sóng” khi thị trường bất động sản đang sốt.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,41 điểm % so với cuối tháng 3-2021. Như vậy, tính đến giữa tháng 4, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã nhanh hơn gấp 4 lần so với mức tăng 0,78% của cùng kỳ 2020. Đáng nói, tín dụng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực được ưu tiên như sản xuất hàng hóa, xuất khẩu.
Lý giải nguyên nhân tín dụng trong những tháng đầu năm khởi sắc mặc dù dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, các chuyên gia trong ngành nhận định, do hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu được hồi phục đáng kể ở đa số các ngành nghề. Trong khi đó, thực hiện chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã đưa ra không ít gói vay ưu đãi.
Vấn đề nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực là như trên đã nói. Còn tiêu cực, khi ngân hàng tăng vốn, áp lực đảm bảo mức lợi nhuận cũng phải tăng theo. Và con đường mà các ngân hàng đều hướng tới là tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá do lợi nhuận các ngân hàng tại Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ hoạt động cho vay. Điều này rất dễ khiến chất lượng tài sản suy giảm. Câu chuyện tăng vốn điều lệ của ngành ngân hàng những năm qua thường gắn chặt với việc đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), tức tăng vốn để chịu được những khoản vay rủi ro theo tiêu chuẩn Basel 2 (tối thiểu đạt 8%). Hiểu đơn giản, nếu vốn thấp mà lỗ nặng thì ngân hàng dễ rơi vào tình trạng phá sản và rất dễ tạo nên hiệu ứng “domino” gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng. Trong khi ngân hàng luôn là ngành xương sống của mỗi nền kinh tế.
Vì vậy, phía nhà điều hành buộc các ngân hàng thương mại phải đáp ứng một tiêu chuẩn về mức độ “chịu trận” khi lỗ để không ảnh hướng tới hệ thống cũng như không ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.
Nhật Hạ