Những dự án còn bỏ ngỏ trên tuyến phố có giá “nóng bỏng tay” ở TPHCM. Với vị trí “trung tâm của trung tâm”, giá nhà đất của tuyến phố này cũng được liệt kê vào diện “nóng bỏng tay”.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là địa danh nổi tiếng ở thành phố mang tên Bác. Tuyến đường kéo dài từ Công viên Bạch Đằng đến trụ sở UBND TPHCM, được đầu tư trở thành quảng trường đi bộ đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ là địa điểm tham quan, vui chơi của du khách trong và ngoài nước, phố đi bộ Nguyễn Huệ còn thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa giải trí lớn như lễ hội hoa hàng năm, các buổi triển lãm ngoài trời, tổ chức diễu hành hay lễ hội đếm ngược chào đón năm mới….
Với vị trí “trung tâm của trung tâm”, giá nhà đất của tuyến phố này cũng được liệt kê vào diện “nóng bỏng tay”, bất chấp thị trường lên hay xuống. Theo khảo sát từ nhiều tin đăng trên các nền tảng rao bán trực tuyến bất động sản, giá nhà đất phố Nguyễn Huệ đang được đưa ra vào khoảng 1-2 tỷ đồng/m2, thuộc top các tuyến phố có giá cao ngất ngưởng tại TPHCM.
Tuy nhiên, cũng trên tuyến đường, một số dự án bất động sản chưa được triển khai sau nhiều năm. Ngay đầu tuyến đường, tại số 2-4-6 Nguyễn Huệ là dự án mở rộng khách sạn Majestic do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV (Saigontourist) quản lý.
Dự án đã được khởi công từ tháng 11/2019, dự kiến xây dựng mới 2 khối tháp gồm 4 tầng hầm và 28 tầng cao, dự kiến hoàn thành tháng 2/2022. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án mới chỉ dừng lại ở việc quây tôn bên ngoài, bên trong trơ khung sắt thép. Không tiếp tục triển khai xây dựng, một phần mặt bằng dự án được sử dụng làm bãi gửi xe vào khách sạn Majestic hiện hữu. Majestic là một trong 2 khách sạn 5 sao cổ nhất tại TPHCM, được xây dựng vào năm 1925.
Tiếp đến là dự án 14-16-18 Nguyễn Huệ đã được giao cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – mã chứng khoán: CTG). Dự án này có 2 mặt tiền đường Nguyễn Huệ và Ngô Đức Kế. Năm 2021, Thanh tra Chính phủ có nêu khu đất này đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc cho TPHCM bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên theo giá trị trường cho VietinBank làm trụ sở làm việc.
UBND TPHCM có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất hơn 282,6 tỷ đồng (khi có dự án đầu tư cụ thể sẽ xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung theo quy định).
VietinBank đã nộp đủ tiền, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 1.186 m2, thời hạn sử dụng đất 50 năm. Tuy nhiên khu đất chưa được bàn giao cho VietinBank tại thời điểm thanh tra, chưa thực hiện đầu tư dự án. Cơ sở nhà đất vẫn đang do Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Thành phố sử dụng, còn một hộ dân đang ở.
Một dự án khác của ngân hàng trên đất vàng Nguyễn Huệ cũng đang được bỏ ngỏ là Cao ốc văn phòng và trung tâm tài chính ngân hàng tại số 117 -119-121 Nguyễn Huệ và số 16 Tôn Thất Thiệp. Dự án do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán: BID) làm chủ đầu tư.
Dự án này trên khu đất thuộc sở hữu Nhà nước và tư nhân xen kẽ, được hợp khối bởi 5 khu đất liền kề tổng diện tích 2.735m2. Kết luận Thanh tra Chính phủ vào năm 2021 cũng nêu sau khi được giao đất, từ năm 2009 đến nay, BIDV chưa đưa đất vào sử dụng, chưa triển khai thực hiện dự án nhưng TPHCM không có biện pháp xử lý, thu hồi theo quy định.
Đến thời điểm thanh tra, dự án chưa được triển khai đầu tư. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị TPHCM chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý theo quy định. Hiện tại, khu đất này vẫn đang được sử dụng làm bãi gửi xe cho khách văn phòng và khách vãng lai quanh khu vực Nguyễn Huệ.
Dự án cuối cùng là Khu đất dự án Thương xá Tax tại số 135 Nguyễn Huệ, do Tổng Công ty TNHH MTV Thương mại Sài Gòn (Satra) quản lý. Khu đất có diện tích 9.000 m2, từng nổi tiếng với tòa nhà Thương xá Tax biểu tượng giao thương một thời của thành phố hoa lệ. Đến năm 2016, Thương xá Tax với 3 tầng lầu được tháo dỡ sau gần một trăm năm tồn tại.
Satra có kế hoạch xây mới một trung tâm thương mại khác với tên gọi Satra Tax Plaza cao 40 tầng, có thêm dịch vụ giải trí, văn phòng, khách sạn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án chưa có tiến triển thêm, chỉ dừng lại là bãi đất trống.
UBND quận 1 từng đề xuất sử dụng khu đất trống này làm bãi giữ xe phục vụ khoảng 2.000 khách tham quan mỗi ngày khu vực Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng.
Tổng Hợp
(Dân Trí)