Với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng, trong khi để mua được nhà tại khu vực vùng ven (xa xa) của Tp.HCM thì giá nhà thấp nhất cũng đã 1-2 tỉ đồng/căn, thực tế đã quá cao so với thu nhập của đối tượng này.
Ai cũng muốn có chốn an cư lạc nghiệp, nhất là đối tượng người lao động thu nhập thấp, công nhân, nhu cầu chỗ ở còn rất lớn. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến chuyện mua nhà thì câu chuyện tài chính để sinh hoạt cần lưu tâm đầu tiên. Khoản tiền mua nhà nên là khoản tiền dùng sau khi chúng ta đã trừ đi sinh hoạt thuận lợi, đáp ứng tối thiểu nhu cầu của bản thân, gia đình. Khi đó, khoản dôi ra dùng để đó để đầu tư hoặc mua nhà trả góp trong ngắn hạn, trung hạn sẽ ổn hơn.
Căn hộ trung cấp (tầm 35 triệu đồng/m2), quy mô 2 phòng ngủ cũng đã có giá khoảng 2,5 tỷ đồng, cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được 8-12 triệu đồng/tháng, tương đương trên dưới 100 triệu đồng/năm. Căn hộ khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường trong hai năm qua. Trong khi đó, công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) chỉ mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra tại chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến năm 2020, phải xây dựng được 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội). Còn nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ, dẫn đến nguồn cung khan hiếm.
Đồng thời, người có thu nhập và mức tích luỹ khiêm tốn cũng hoàn toàn có sự lựa chọn mua BĐS ở quê thay vì cứ chăm chăm vào BĐS ở các đô thị lớn. Người mua có thể về quê mua mảnh đất 300 – 400 triệu đồng, sau 2 năm có thể tăng lên 600-700 triệu, tích luỹ thêm ở khoảng thời gian đó, và nghĩ đến chuyện mua nhà TP. Theo thống kê của nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản, trong năm 2020 và hai quý đầu năm 2021, thị trường bất động sản không chỉ thiếu trầm trọng nhà ở xã hội mà loại hình căn hộ có mức giá bình dân cũng gần như không còn xuất hiện trong cơ cấu nguồn cung mới.
Nếu với thu nhập như hiện tại thì người mua nên dành dụm thêm trước khi nghĩ đến việc mua nhà, đất. Nếu với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng chỉ vừa vặn để trang trải cuộc sống, chưa phải là khoản để chi trả cho việc mua nhà trả góp. Vì thế, người mua không nên mua nhà trong gia đoạn chưa có tích luỹ, chưa có thu nhập ổn định hoặc thu nhập thấp.
Nếu mua một căn hộ trung cấp tại khu ven Tp.HCM thì ít nhất người mua phải có khoảng 10-20% số vốn ban đầu để đặt mua, chiếm từ 400-700 triệu đồng (tuỳ dự án). Tuy nhiên, bên cạnh khoản này, người mua cần có khoản dự phòng, đặc biệt với tình hình thị trường nhiều biến động như hiện nay thì nếu để nắm giữ tài sản thì cần có khoản dự phòng để chi trả trong vòng 6-12 tháng cho BĐS đã mua. Nên hạn chế vay mượn quá nhiều, dễ lâm vào tình trạng tài chính kiệt quệ, bán tháo bán đổ khoản đầu tư của mình…
Nhu cầu nhà ở xã hội cũng như loại hình nhà ở giá rẻ thu hút được rất nhiều người dân. Thậm chí, nhu cầu của người mua rất nhiều nhưng nguồn cung ra thị trường thì không đủ đáp ứng. Tại một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội cho thấy nhu cầu ở của người dân loại hình này là rất cao, khi đưa vào khai thác, sử dụng thì người dân về ở rất nhanh. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay vẫn quá chậm, nguyên nhân được Bộ Xây dựng xác định là do nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội vẫn còn thiếu. Đi cùng với đó là trách nhiệm của các địa phương khi chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Không khó để nhận ra cuộc bung hàng của các dự án cuối năm phần lớn tập trung ở dòng sản phẩm trung, cao cấp và hạng sang. Nhiều người có thu nhập thấp cần căn hộ từ 50 đến 60m2, giá từ 1 tỉ đồng trở lại, khoảng 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trên địa bàn TP.HCM hầu như không còn một dự án nào có mức giá này. Những bản thông tin về tình hình thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng công bố ba quý gần đây đều khẳng định thị trường bất động sản rất hiếm dự án có giá 25 triệu đồng/m2.
Các nhà phát triển bất động sản cho biết có hai điểm chính làm cho giá thành nhà ở khá cao là giá đất cao và thời gian làm thủ tục hành chính kéo dài khiến doanh nghiệp chịu lãi nhiều. Một số chủ đầu tư than phiền thủ tục hành chính để xây nhà ở xã hội quá rắc rối, từ quy hoạch cho đến khâu thẩm định giá đất.
Nhiều lần các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng được thực hiện song song nhiều thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư một dự án bất động sản, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)