Người mua biệt thự, liền kề tháo chạy do không có khả năng chi trả
Mua nhà trả góp là một hình thức được phần đông người mua nhà lựa chọn khi không đủ khả năng tài chính chi trả một lần nhưng vẫn có thể sở hữu chốn an cư. Tuy nhiên, khi lãi suất cho vay tăng mạnh, nhiều người rơi vào cảnh vỡ kế hoạch tài chính, áp lực trả nợ đè nặng.
Từ tháng 9/2022, các ngân hàng bắt đầu tăng mạnh lãi suất huy động, sau đó, lãi suất cho vay cũng tăng theo. Tính đến tháng 1/2023, lãi suất vay mua nhà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dao động trong khoảng từ 12,5 – 15%/năm.
Diễn biến lãi suất cho vay tăng cao đã khiến nhiều người đắn đo, chần chừ trong việc mua nhà khi áp lực trả nợ nặng nề. Còn nhiều người đã vay ngân hàng và được thông báo tăng lãi suất thì như “ngồi trên đống lửa”. Không chỉ có vậy, nhiều trường hợp khách hàng cho biết, phía ngân hàng còn thông báo mức lãi suất 12-13%/năm chỉ cố định trong kỳ hạn 6 tháng, sau đó sẽ điều chỉnh theo diễn biến lãi suất thị trường. Nỗi lo lại càng đè nặng vai những người mua nhà trả góp hàng tháng.
Trước đó, báo cáo thị trường quý IV/2022 của nhiều đơn vị nghiên cứu cho thấy, số lượng giao dịch nhà liền kề, biệt thự được đánh giá là thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo Savills Việt Nam, trong quý IV/2022, thị trường chỉ ghi nhận 196 giao dịch được thực hiện, giảm 34% theo quý và 52% theo năm. Cả năm 2022, hoạt động mua bán ảm đạm khi chỉ có 1.458 giao dịch, giảm 44% theo năm.
Trong khi đó, theo báo cáo thị trường bất động sản của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý IV năm ngoái, ước lượng giao dịch thực chỉ đạt 20% lượng chào bán với hơn 435 giao dịch, giảm 66% so với quý 3/2022.
Thông tin thị trường nhà ở Hà Nội quý I năm nay, đơn vị cung cấp các dịch vụ về bất động sản và quản lý đầu tư JLL Việt Nam cho biết, nguồn cung thị trường nhà liền thổ gồm nhà liền kề, biệt thự tiếp tục chứng kiến một quý ảm đạm khi nhiều dự án lớn ngừng mở bán trong quý này. Nguồn cung mới ghi nhận 60 căn được mở bán, giảm 92,9% theo năm, chủ yếu đến từ các dự án nhỏ và vừa ở khu vực phía tây và phía đông TP Hà Nội.
Do tâm lý thị trường yếu kém cùng với các khó khăn trong vấn đề giải ngân khiến hoạt động giao dịch trong quý I của thị trường nhà liền thổ (biệt thự, liền kề) gần như đóng băng. Trong khi một vài dự án lớn tạm thời ngừng giao dịch.
Đáng chú ý, một vài dự án nhỏ và vừa chứng kiến nhiều giao dịch hoàn cọc hay trả hàng do ngân hàng siết chặt room tín dụng cho vay bất động sản, khiến người mua không đủ khả năng chi trả. Điều này khiến tỷ lệ hấp thụ trong quý chạm mức âm 19 căn.
Những ngày đầu tháng 3/2023, nhẩm tính lại các khoản phải chi hàng tháng, gồm tiền nợ mua nhà, tiền ăn, tiền học cho 2 con, bảo hiểm nhân thọ, tiền thuốc men…, khiến vợ chồng anh Kim Cường (38 tuổi) ngụ tại TP.Thủ Đức “méo mặt”.
“2 năm trước, vợ chồng tôi vay ngân hàng 800 triệu để mua căn hộ gần 2 tỷ tại quận 9 cũ. Thời điểm mới vay, ngân hàng ưu đãi 36 tháng, lãi suất cố định chưa tới 9%, nên mỗi tháng vợ chồng tôi đóng 10 triệu đồng cho ngân hàng. Tuy nhiên, từ 2023, ngân hàng thông báo lãi suất điều chỉnh lên khoảng 13%/năm, đồng nghĩa mỗi tháng gia đình tôi phải gánh thêm 4 triệu đồng tiền lãi.
Điều đáng nói, vợ tôi lại vừa mất việc do công ty cắt giảm nhân sự. Như vậy là mất đi 1 nguồn thu nhập quan trọng. Mấy ngày nay vợ chồng tôi không thể nào chợp mắt. Tiền kiếm ra bị giảm 1 nửa mà tiền nợ lại gia tăng. Nếu không gồng gánh nỗi, chúng tôi sẽ phải bán nhà để trả nợ”, anh Kim Cường chia sẻ.
Cuộc sống ngày càng khó khăn, khiến người lao động phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí. Trước khi mua nhà, nhiều người có tâm lý lạc quan, ít phòng ngừa những tính huống rủi ro, chẳng hạn như nếu có bất trắc phải làm gì tiếp theo, dễ dẫn tới bị động.
Trường hợp của chị Hoa (32 tuổi) là một ví dụ tương tự. Đầu năm, chị bị chấn thương cột sống phải xin nghỉ không lương 3 tháng để điều trị. Vì không mua bảo hiểm, chị Hoa phải tốn một khoản chi phí ý tế không nhỏ. Bên cạnh đó, khoảng thời gian nghỉ làm, chị Hoa phải chịu áp lực trả nợ ngân hàng căn hộ mình đang ở, mỗi tháng gần 13 triệu đồng khiến chị khủng hoảng.
“Đúng là cuộc sống không lường trước được gì, tôi bây giờ chỉ biết thắt chặt chi tiêu, hạn chế xài tiền tối đa và cầu mong mình nhanh hồi phục để có thể đi làm lại kiếm tiền”, chị Hoa chia sẻ.
Dưới góc độ là chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho biết nhu cầu vay vốn mua nhà vẫn rất lớn trong bối cảnh thu nhập của người lao động còn hạn chế. Tuy nhiên, nền kinh tế đang vào giai đoạn phục hồi, nhu cầu về vốn tăng mạnh khiến các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để hút dòng tiền, và kéo theo là tăng lãi suất cho vay.
“Người vay mua nhà nên cân nhắc khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, không nên chi quá 30% thu nhập cho khoản vay. Bên cạnh đó, cần ước tính giá trị căn nhà dự định mua dựa trên mức thu nhập cùng tiền mặt có sẵn, và chỉ nên vay trong khả năng trả nợ”, ông Thịnh nói.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Dân Việt, NSTT)