Thị trường chứng khoán vẫn vấp phải áp lực rung lắc mạnh nhưng nhờ một số nhân tố chủ chốt nên VN-Index tiếp tục duy trì được sắc xanh.
Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần diễn biến khá tương đồng phiên trước. Áp lực rung lắc mạnh tiếp tục khiến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá và kéo theo là đà giảm của các chỉ số. Tuy nhiên, nhờ một số nhân tố lớn nên thị trường hồi phục tốt trở lại. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,75 điểm (0,36%) lên 776,66 điểm. Toàn sàn có 177 mã tăng, 159 mã giảm và 73 mã đứng giá. HNX-Index đứng ở mức tham chiếu tương ứng 106,97 điểm, còn UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,15%) xuống 51,66 điểm.
Phiên ngày 24/4, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn phân hóa rất mạnh, trong đó, VNM là động lực lớn nhất giúp duy trì vững sắc xanh của VN-Index. VNM được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh đến 3,6 triệu cổ phiếu. VNM tăng ngay sau tin doanh nghiệp này công bố quyết định HĐQT về việc mua lại 17,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 1% vốn điều lệ thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như HSG, HPG, CTD, VPB, MSN… cũng tăng mạnh và giúp kéo VN-Index tăng điểm.
Chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên các cổ phiếu như PVD, DPM, HVN, VJC… đều chìm trong sắc đỏ và tạo áp lực rất lớn.
Các cổ phiếu có mức độ ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 24/4. Nguồn: VDSC.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, các cổ phiếu như BII, PFL, PPI, HU6, AMD, CLG hay LGL đều được kéo lên mức giá trần. FIT cũng tăng đến 6,8% lên 6.890 đồng/cp, DTA tăng 5,5% lên 5.190 đồng/cp, HAR tăng 4,6% lên 2.740 đồng/cp, NRC tăng 3,4% lên 9.100 đồng/cp.
Trong khi đó, 3 cổ phiếu họ “Vin” lại diễn biến không mấy tích cực. VIC đứng ở mức giá tham chiếu, VRE giảm 0,4% xuống 24.000 đồng/cp, còn VHM giảm sâu 2,4% xuống 65.000 đồng/cp và khớp lệnh 2 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ khác lại lao dốc mạnh, trong đó, NTB, FDC, PTL và SII giảm sàn. VRC giảm 6,2%, TNT giảm 4,4%, DRH giảm 2,6%.
Thanh khoản thị trường phiên 24/4 có được cải thiện nhưng chỉ ở mức trung bình. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE, HNX và UPCoM đạt 323 triệu cổ phiếu, trị giá 4.500 tỷ đồng. 3 cổ phiếu bất động sản khớp lệnh nhiều và lọt vào top 10 cổ phiếu khớp lệnh toàn thị trường là AMD, ITA và FLC. Trong đó AMD khớp lệnh đến 11,2 triệu cổ phiếu, ITA và FLC khớp lệnh lần lượt 7,8 triệu cổ phiếu và 4,5 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại vẫn là điểm khiến nhà đầu tư lo ngại nhất ở thời điểm hiện tại khi bán ròng hơn 385 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại bán ròng phiên thứ 19 trên HoSE với giá trị hơn 345 tỷ đồng (tăng gần 10% so với phiên trước). CRE, VRE và VPI là 3 cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh trong phiên ngày 24/4. Trong đó, CRE bị bán ròng 39 tỷ đồng. VRE và VPI bị bán ròng lần lượt 24 tỷ đồng và 18 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM là cổ phiếu bất động sản hiếm hoi được mua ròng với 1,9 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán MB (MBS), với 3 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường đã kết thúc tuần với dấu hiệu tích cực khi hình thành vùng đáy sau cao hơn đáy trước. Nhà đầu tư chấp nhận vào hàng kể cả khi lượng hàng T+ còn chưa được giải phóng cho thấy kỳ vọng đã lạc quan hơn và tâm lý tích cực hiện tại là cơ sở để thị trường còn tiếp tục tăng tiếp.
Tuy nhiên, để an toàn thì nhà đầu tư cũng nên có sẵn các kịch bản để ứng xử phù hợp bất kể thị trường đi theo chiều hướng nào khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa được kiểm soát triệt để. Trong kịch bản tích cực, nhịp tăng ngắn hạn của thị trường sẽ tiếp diễn với mục tiêu hướng tới vùng 796,3 điểm đến 803,63 điểm, tuy vậy vẫn sẽ có những nhịp rung lắc trong phiên.
Chứng khoán châu Á cũng có một phiên giao dịch khó khăn, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt giảm 0,8% và 1,3%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 1% và 1,5%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,6%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 0,9%, SET 50 của Thái Lan giảm 1%, Jakarta Composite giảm 2,1% và KLCI của Malaysia giảm 0,8%. NZX 50 của New Zealand giảm 0,2% trong khi ASX 200 của Australia tăng 0,5%.
Tuấn Hào