Vietnam Airlines có thể thoát án hủy niêm yết trong kịch bản nào? Vietnam Airlines vẫn có khả năng ở lại sàn HOSE nhưng khe cửa khá hẹp…
Ngày 7/9 mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã lưu ý Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) về khả năng hủy niêm yết hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, tại ngày 30/6 năm nay, Vietnam Airlines đang âm vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, tổng công này còn liên tiếp thua lỗ trong năm 2020, 2021 và nửa đầu 2022, đồng thời lỗ lũy kế đang vượt vốn điều lệ thực góp.
Chưa bàn đến chuyện có lãi, trước tiên Vietnam Airlines cần phải tránh thua lỗ.
Đại hội cổ đông thường niên ngày 28/6/2022 đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, cao gấp 2,44 lần so với năm 2021; lỗ sau thuế của công ty mẹ ước tính khoảng 9.335 tỷ đồng, giảm 21% so với số lỗ của năm ngoái.
Theo Điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155/2020: Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Như vậy, Vietnam Airlines đang có nguy cơ rơi vào cả ba kịch bản tăm tối kể trên trong khi chỉ cần thuộc một trong ba trường hợp là đủ để cổ phiếu bị hủy niêm yết.
Nếu muốn hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN được ở lại HOSE, Vietnam Airlines bắt buộc phải có lãi lớn trong 6 tháng cuối năm để xóa đi khoản lỗ hơn 5.200 tỷ đồng trong nửa đầu 2022, qua đó không rơi vào trường hợp lỗ ba năm liên tiếp.
Để tránh hai trường hợp âm vốn chủ và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, Vietnam Airlines cần phải báo lãi hàng chục nghìn tỷ đồng hoặc tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu, hoặc kết hợp cả hai cách này.
Tổng công ty đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025, trong đó có những kế hoạch nhằm gia tăng nguồn thu, cắt giảm chi phí và cải thiện lợi nhuận.
Cụ thể, Vietnam Airlines dự tính bán 32 tàu bay, trong đó có 26 chiếc phản lực thân hẹp A321CEO và 6 chiếc ATR72 để vừa có thêm thu nhập, vừa chuẩn bị thay thế dần đội bay bằng các tàu hiện đại hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Với các tàu bay mới, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch bán và thuê lại (SLB) 12 tàu thân hẹp và hai động cơ dự phòng.
Nghiệp vụ SLB cho phép các hãng hàng không gia tăng quy mô đội bay mà không cần bỏ ra quá nhiều vốn đầu tư ban đầu. Hãng sẽ phải mất chi phí thuê tàu bay trong các năm sau nhưng trước mắt có thể ghi nhận một khoản thu nhập lớn, giúp nâng cao kết quả kinh doanh trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn có chủ trương tái cơ cấu danh mục đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhằm bảo đảm cơ cấu hợp lý, tập trung đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ liên quan.
Hoạt động thoái vốn và tái cơ cấu danh mục đầu tư còn có thể giúp Vietnam Airlines “thu hồi vốn đầu tư, gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, từng bước xóa lỗ lũy kế và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển”.
Ngoài ra, Vietnam Airlines còn dự kiến cổ phần hóa một số doanh nghiệp thành viên khi kịch bản phục hồi ngành hàng không diễn biễn xấu hoặc Tổng công ty cần bổ sung nguồn lực để tăng cường năng lực cạnh tranh mà không thể bố trí nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp.
Nếu chỉ có lãi 5.237 tỷ đồng trong nửa cuối năm thì Vietnam Airlines vẫn sẽ bị hủy niêm yết vì hai vấn đề là âm vốn chủ 4.897 tỷ đồng, và lỗ lũy kế (28.904 tỷ) lớn hơn vốn điều lệ thực góp (22.144 tỷ).
Để giải quyết dứt điểm cả ba nguy cơ trên, Vietnam Airlines cần có lãi khoảng 12.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối 2022.
Đây là một con số quá lớn và rất khó có thể trở thành hiện thực. Trong lịch sử, kể cả trước đại dịch, Vietnam Airlines chưa khi nào có lãi trên 3.000 tỷ một năm.
Vì vậy, một kịch bản khả thi hơn là Vietnam Airlines có lãi khoảng 5.300 tỷ trong nửa cuối năm – đủ để lợi nhuận của cả năm 2022 là số dương, đồng thời tăng vốn khoảng 6.700 tỷ thông qua phát hành thêm cổ phiếu nhằm xóa âm vốn chủ sở hữu và đưa vốn điều lệ lên trên lỗ lũy kế.
Theo đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines dự kiến sẽ phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ trong giai đoạn 2022-2023; nếu ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, Tổng công ty sẽ cân nhắc tiếp tục phát hành tăng vốn trong giai đoạn 2024-2025.
Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Tổng Hợp