Vietnam Airlines cho biết sàn thương mại điện tử của hãng bay này sẽ tập trung khai thác tối đa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có của hãng, do đó sẽ không cần đầu tư tài chính quá lớn. Lãnh đạo Vietnam Airlines lấy ví dụ các mặt hàng “ẩm thực trên mây” được chế biến bởi các công ty suất ăn hàng không đạt tiêu chuẩn quốc tế của hãng…
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, với mục tiêu trở thành hãng hàng không công nghệ số, phát triển thương mại điện tử là một trong những ưu tiên hàng đầu của hãng. Trên cơ sở đó, Vietnam Airlines đã tiếp tục mở rộng hệ sinh thái của hãng với 2 sàn thương mại điện tử là VNAMALL và VNAMAZING.
Một sản phẩm khác cũng vừa ra mắt của Vietnam Airlines chính là thẻ quà tặng dịch vụ hàng không đầu tiên tại Việt Nam. Thẻ quà tặng Vietnam Airlines gift card có thể sử dụng để đối sang vé máy bay hoặc quyền lợi nâng hạng thương gia trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO.
Việc thương mại điện tử đang là cuộc đua “đốt tiền”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết sàn thương mại điện tử của hãng bay này sẽ tập trung khai thác tối đa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có của hãng, do đó sẽ không cần đầu tư tài chính quá lớn.
Ngày 7/1, Vietnam Airlines tổ chức lễ ra mắt 3 sản phẩm mới trong hệ sinh thái dịch vụ của hãng. Theo đó, 3 sản phẩm của Vietnam Airlines gồm 2 sàn thương mại điện tử VNAMAZING, VNAMALL và thẻ Vietnam Airlines gift card. Theo giới thiệu của Vietnam Airlines, VNAMAZING là sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến, như tour trong, ngoài nước, combo vé máy bay – khách sạn… Còn VNAMALL được định vị là sàn thương mại điện tử cung cấp đa dạng các loại hàng hóa, dịch vụ cả hàng không và phi hàng không. Đây là sàn thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam được vận hành bởi một hãng bay, do đó, VNAMALL có được lợi thế từ mạng lưới logistic đường không rộng lớn và đối tác trên phạm vi toàn cầu.
Công ty mẹ thua lỗ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III vừa công bố, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt doanh thu thuần hơn 4.735 tỷ đồng, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn bán hàng chỉ giảm hơn 20%, vẫn còn gần 7.750 tỷ đồng, hãng bay này lỗ gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ khoảng 3.000 tỷ đồng.
Trong kỳ này, doanh thu tài chính của hãng tăng gấp hơn 4 lần cùng kỳ lên hơn 560 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí khác như bán hàng, quản lý doanh nghiệp vẫn tăng, lần lượt đạt hơn 282,2 tỷ và 347,5 tỷ đồng. Do vậy, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 3.531 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này vẫn tích cực hơn 2 quý đầu năm khi quý I lỗ gần 4.900 tỷ, quý II lỗ 4.449 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ hơn 12.153 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lý giải lợi nhuận hợp nhất quý III giảm mạnh ngoài nguyên nhân lợi nhuận công ty mẹ giảm, còn do lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vaeco, Nasco…
Trước đó ngày 14/12, Vietnam Airlines tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2021 để xin ý kiến cổ đông về một số nội dung, nổi bật trong đó là phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên mọi lĩnh vực hoạt động. Báo cáo tại đại hội, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cho biết năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, thậm chí còn nặng nề hơn rất nhiều so với năm 2020.
Hãng trình kế hoạch lỗ 12.907 tỷ đồng, tuy nhiên ông Hiền cho hay kết quả quả kinh doanh của Vietnam Airlines 2021 tốt hơn so với mục tiêu đặt ra tại đại hội cổ đông. Mặc dù vậy, tình hình tài chính năm nay vẫn rất xấu với Vietnam Airlines và các hãng khác. Trong năm 2020, Vietnam Airlines đã cắt giảm được 5.129 tỷ đồng, trong đó chi phí nhân công là 1.775 tỷ đồng và dự kiến cắt giảm, tiết kiệm khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Tại phiên họp này, Vietnam Airlines đã thông qua những định hướng lớn trong đề án tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025, sửa đổi ngành nghề kinh doanh và điều lệ của doanh nghiệp này. Phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả lĩnh vực, gồm 7 nhóm giải pháp. Các giải pháp lớn có thể kể đến như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu…
Tổng Hợp