Lũy kế nửa đầu năm nay, mức lỗ tương ứng của công ty mẹ Vietnam Airlines còn 4,6 nghìn tỷ đồng, lỗ hợp nhất hơn 5,2 nghìn tỷ đồng (giảm xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm trước).
Trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 9,5 triệu lượt khách (tăng 24,6% so với kế hoạch). Đa số khách tới từ bay nội địa.
Đặc biệt, theo Vietnam Airlines, tháng 7 hãng đã ghi nhận có lãi từ vận tải khách nhờ lượng khách nội địa “bùng nổ”, và hãng dự báo kết quả kinh doanh tháng 8 tiếp tục khả quan khi cao điểm hè vẫn chưa kết thúc. Riêng thị trường khách quốc tế, vốn chiếm tới 65% doanh thu của Vietnam Airlines, phục hồi còn chậm so với dự kiến, khi mới bằng 12% so với trước khi có dịch COVID-19. Hiện một số thị trường khách trọng điểm vẫn tạm dừng khai thác, hoặc khai thác số chuyến tối thiểu, như Nga, Trung Quốc, Myanmar…
Theo Vietnam Airlines, kết quả kinh doanh hãng có được chủ yếu nhờ thị trường nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, giá nhiên liệu bay (chiếm 40% chi phí khai thác) lại tăng cao đột biến, khiến doanh thu chưa thể bù được chi phí. Bình quân 6 tháng đầu năm giá nhiên liệu bay duy trì ngưỡng khoảng 116 USD/thùng, riêng tháng 7 tăng lên 165 USD/thùng.
Khi giá nhiên liệu bay tăng 1 USD/thùng, chi phí của Vietnam Airlines sẽ tăng thêm 10 tỷ đồng/tháng. Do giá nhiên liệu tăng cao gấp đôi so với kế hoạch (kế hoạch chỉ 80 USD/thùng), nửa đầu năm chi phí của hãng phát sinh thêm 2,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Nhờ lượng khách tăng vọt từ cao điểm hè, trong tháng 7, Vietnam Airlines đã có lãi, nhưng tổng kết quả kinh doanh quý 2/2022 và nửa đầu năm của doanh nghiệp này vẫn lỗ hơn 4,6 nghìn tỷ đồng do giá nhiên liệu tăng cao, thị trường quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng.
Vietnam Airlines vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022, theo đó, trong quý vừa qua công ty mẹ lỗ 2,2 nghìn tỷ đồng (giảm 44% lỗ so với cùng kỳ năm trước); lỗ hợp nhất chỉ còn hơn 2,5 nghìn tỷ đồng (giảm 43% so với cùng kỳ và giảm so với quý 1/2022).
Kết thúc năm tài chính 2021, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất trước thuế 12.965 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ trước thuế 11.833 tỷ đồng. Số lỗ này đều tăng cao so với năm 2020, nhưng thấp hơn kế hoạch của năm. Tới hết năm vừa qua, nợ phải trả của hãng hàng không này tăng lên mức 52.767 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 61%.
Năm 2022, Vietnam Airlines dự kiến tổng doanh thu hơn 45.000 tỷ đồng (tăng gấp đôi năm trước), công ty mẹ vẫn lỗ hơn 9.300 tỷ đồng. Theo ông Trần Thanh Hiền: Thị trường phục hồi, doanh thu tăng, nhưng giá nhiên liệu tăng nhanh hơn, nên chưa thể thoát lỗ. Chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 50% tổng chi phí của hãng.
Tổng Hợp