Ngày 8/9, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi công văn đề nghị đóng góp ý kiến Dự thảo thông tư về điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Vietnam Airlines đòi nâng sàn giá vé cao nhất thế giới gây tổn hại cho hành khách, hãng hàng không khác để tự cứu mình trước nguy cơ phá sản.
Các đơn vị được lấy ý kiến lần này bao gồm Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN), CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC), CTCP Hàng không Pacific Airlines, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) và Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Dự thảo thông tư này chỉ bao gồm hai điều, Điều 1 có nội dung nâng mức giá vé tối thiểu (giá sàn) trên các đường bay nội địa và Điều 2 là hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện. Theo quy định hiện nay, Nhà nước chỉ quy định giá tối đa (giá trần) đối với các chặng nội địa, mức cụ thể tùy thuộc vào khoảng cách bay. Vietnam Airlines đã đề nghị áp dụng giá sàn bằng 44% giá trần, tức là tối thiểu 704.000 đồng/vé đối với chặng dưới 500 km và phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Thời gian áp dụng là 36 tháng.
Cục Hàng không cho biết mục tiêu của việc quy định giá sàn là giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước với tư cách là cổ đông chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế 17.772 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.750 tỷ. Lỗ hợp nhất trong nửa đầu năm nay là 8.585 tỷ. Do vốn chủ âm nên tỷ lệ Tổng nợ/Tổng tài sản vượt 100%. Nợ ngắn hạn lên tới hơn 42.800 tỷ, trong đó có hàng chục nghìn tỷ là nợ quá hạn. Các hệ số về thanh khoản đều ở dưới ngưỡng an toàn.
Theo tổng hợp của Cục Hàng không, hiện nay trên thế giới chỉ có Indonesia là quốc gia có quy định giá tối thiểu đối với chuyến bay nội địa, nhưng tỷ lệ cũng chỉ bằng 35% giá tối đa, áp dụng từ 4/2019. Năm 2004, Trung Quốc đã áp dụng chính sách giá vé nội địa tối thiểu bằng 44% giá tối đa nhưng đã từ bỏ quy định năm vào năm 2013. Vietnam Airlines muốn nước ta cũng áp dụng con số 44% như Trung Quốc từng làm vào năm 2004. Nếu đề xuất này được chấp thuận, Việt Nam sẽ là nước có tỷ lệ giá sàn/giá trần cao nhất thế giới hiện nay.
Thời gian áp dụng 36 tháng theo đề nghị của Vietnam Airlines cũng bị cho là quá dài khi đây là chính sách mang tính khẩn cấp tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì các lý do trên, Cục Hàng không cho rằng mức giá sàn bằng 20% giá trần và áp dụng trong 12 tháng từ tháng 11/2021 đến hết tháng 10/2022 là hợp lý hơn. Tuy khuyến nghị áp dụng giá sàn chỉ bằng 20% giá trần trong 12 tháng (ít hơn đáng kể so với đề xuất của Vietnam Airlines) nhưng Cục Hàng không vẫn lo ngại nhiều tác động tiêu cực có thể này sinh.
Thứ nhất, việc áp giá sàn vé máy bay trong một thị trường cạnh tranh là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Các quốc gia đa phần không điều tiết giá vé, hoặc đã từng quy định giá tối thiểu nhưng nay đã bãi bỏ. Việc thực thi các quy định về khung giá vé cũng gặp nhiều khó khăn do các hãng có thể sử dụng chính sách khuyến mại, chiết khấu, … để lách luật.
Thứ hai, áp giá sàn gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh trong thị trường nội địa.
Thứ ba, việc áp giá sàn sẽ gặp phải những phản ứng từ báo chí cũng như người tiêu dùng do làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận hành khách. Ngay cả đề xuất giá sàn bằng 20% giá trần của Cục Hàng không cũng cao hơn rất nhiều so với các chương trình khuyến mại vé 49.000 đồng, 99.000 đồng, … mà các hãng như Vietjet hay Bamboo Airways thường triển khai.
Thứ tư, áp giá sàn sẽ cản trở kích cầu hàng không, có thể tổn hại tới cả ngành nói chung. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang khốn đốn vì dịch bệnh, thu nhập của hàng triệu người lao động đang suy kiệt. Nếu nâng giá vé lúc này thì liệu người dân có kham nổi?
Cục Hàng không cho biết hiện chưa thể đánh giá tác động thực tế của chính sách đối với khả năng duy trì hoạt động và phát triển lành mạnh, bền vững của các hãng trong tương lai hay không. Vietnam Airlines và Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines) đề xuất Nhà nước quy định giá tối thiểu. Ngược lại, Vietjet đề nghị không áp dụng giá sàn và Bamboo Airways đề xuất bỏ quy định Nhà nước về giá trên các đường bay khai thác bởi ba hãng trở lên.
Cục Hàng không đánh giá tỷ lệ 44% mà Vietnam Airlines đưa ra là cao vì 4 lý do.
Thứ nhất, mức giá này tương đương với chi phí bình quân trên các đường bay nội địa của Vietnam Airlines năm 2019 và sẽ khiến cho một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp không thể tiếp cận được dịch vụ hàng không.
Thứ hai, chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam như Vietjet, Bamboo Airways, … trên các đường bay nội địa là khác nhau và đa phần đều thấp hơn Vietnam Airlines.
Thứ ba, mức giá sàn này tương đương với giá cao nhất của vận chuyển đường sắt (giường nằm khoang 4 điều hòa) và gấp hai lần giá vé vận chuyển đường bộ, dẫn tới hạn chế tính cạnh tranh và khả năng khôi phục thị trường vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam.
Thứ tư, tỷ lệ 44% mà Vietnam Airlines đưa ra là mức cao nhất trong số các quốc gia đã từng áp dụng.
Việc chính quyền các địa phương và cơ quan Nhà nước thường lựa chọn Vietnam Airlines khi tổ chức các chuyến bay đưa đón người dân hồi hương, vận chuyển nhân lực – vật lực để chống dịch, … cũng giúp cho thị phần của hãng hàng không quốc gia tăng lên. Khó khăn chung, hỗ trợ riêng, năm 2020, Việt Nam ngừng các chuyến bay vận chuyển quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay vận chuyển công dân về nước và chở hàng hóa. Sang giữa năm 2021, thị trường nội địa từng là cứu cánh giúp các hãng hàng không cầm cự cũng bị cắt giảm mạnh.
Cương Nguyễn