Thị trường quốc tế đóng băng, tập trung chủ yếu là các chuyến bay đưa công dân về nước. Đà suy thoái kinh tế và tâm lý lo ngại vẫn là rào cản kéo dài phục hồi ngành hàng không nói chung.
Ngày 17/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng nên có một gói hỗ trợ cho cả ngành hàng không, thay vì chỉ tập trung vào một doanh nghiệp.
“Theo nguyên tắc thị trường, việc chỉ tính phương án tháo gỡ khó khăn cho một hãng hàng không tạo ra sự thiên lệch giữa các hãng. Tôi cho rằng nên cân nhắc một gói hỗ trợ chung, tùy vào tình hình kinh doanh cụ thể của hãng hàng không mà đưa ra các tiêu chí nhận hỗ trợ, phương án cụ thể tháo gỡ khó khăn cho từng hãng đó”, ông Thành nói.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương khuyến nghị nếu đã có phương án tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, cũng nên hỗ trợ cho các hãng bay khác như Vietjet Air, Bamboo Airways. “Bởi việc chỉ ưu tiên giải cứu một hãng sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng”, ông Doanh nói.
Ngoài ra, Vietnam Airlines sẽ chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo qui định của Luật Chứng khoán, nhưng được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán. Từ khi các biện pháp hỗ trợ mới là đề xuất, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự không đồng tình với việc Nhà nước tạo cơ chế đặc thù cho Vietnam Airlines – một doanh nghiệp do Nhà nước nắm 86% vốn.
Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải cho biết hãng mong muốn “Quốc hội và Chính phủ xem xét có gói tài chính hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines”. lãnh đạo Bamboo Airways còn đề nghị Nhà nước tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm đối với giá dịch vụ, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, miễn giảm thêm các loại thuế phí, giãn hoãn thời gian nộp.
Phó Tổng Giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương có chung quan điểm: “Chính phủ Thái Lan đã giảm 96% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Quốc hội Việt Nam đã giảm 30% thuế này đến hết năm 2020. Vietjet đề xuất tiếp tục giảm 70% tới hết năm 2021 để doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn”.
Phó tổng giám đốc Vietjet Air, cho biết hãng này đã lỗ trong 9 tháng qua, dù đã bán, chuyển nhượng tài sản tích luỹ trong nhiều năm, giảm lương tới 50 – 70% với quản lý cấp cao, trung và chỉ trả mức thu nhập tối thiểu 8 – 10 triệu đồng với người lao động.
“Vietjet mong muốn được Chính phủ hỗ trợ để cân bằng sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước với nhau cũng như giữa các hãng trong nước với các hãng nước ngoài”, bà Yến Phương nói thêm.
Bên cạnh đó, các hãng bay liên tục tăng tải vào thị trường nội địa, khiến dư thừa nguồn cung và cạnh tranh trực diện giảm giá vé nhằm thu hút khách và cạnh tranh giữa các hãng. Hệ quả là tiềm lực tài chính giảm nghiêm trọng, khó cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài. Đại diện Bamboo Airways cho hay, quy mô hãng bay này nhỏ bằng 1/3 – 1/4 so với Vietnam Airlines và Vietjet, nhưng thiệt hại do Covid-19 cũng không kém. Hãng này cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines.
Ngành hàng không sẽ ra sao trong năm 2021, sau khi Chính phủ hỗ trợ vốn vay ưu đãi 12.000 tỉ đồng với Vietnam Airlines, 2 hãng còn lại là Vietjet Air và Bamboo Airways có được hỗ trợ vốn?