Kinh tế Việt Nam đã đi được 2/3 chặng đường của năm 2020, với mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng vẫn là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương.
Diễn biến kinh tế vĩ mô trong 3 tháng cuối năm 2020 có thể chịu ảnh hưởng cộng hưởng của một số yếu tố. Ðáng lưu ý là sự bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19, nên nền kinh tế còn diễn biến bất định và khó lường.
GDP 2020 được dự báo tăng 2,1 – 2,6%
GDP có tăng ở mức 0,4% trong quý II/2020 nhưng là mức tăng thấp nhất trong 35 năm qua. TS. Bùi Trinh – Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam phân tích, nền kinh tế Việt Nam hết sức khó khăn do những tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần trước. Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 có thể tăng thêm khó khăn đối với cộng đồng DN cũng như ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, phát triển của nền kinh tế nói chung.
“Số người mất việc làm tăng cao, nhiều DN phá sản, làm ăn thua lỗ, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn… Đạt mức tăng trưởng bằng 6 tháng đầu năm đã là một thành công” – ông Trinh nói.
May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty CP May 10. Ảnh: Phạm Hùng
Báo cáo Kinh tế Việt Nam được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) công bố mới đây đã đưa ra 2 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo đó, tăng trưởng có thể đạt mức 2,1% theo Kịch bản 1 và 2,6% trong Kịch bản 2.
Còn theo VNDirect, trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến xấu hơn, tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt 2,3%. Các kịch bản như trên, thậm chí còn thận trọng hơn mức dự báo GDP Việt Nam tăng 2,8% năm 2020 của các chuyên gia quốc tế đến từ Bloomberg, và mức 2,7% theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong các kịch bản, tác động tiêu cực đối với ngành dịch vụ có thể kéo dài và trầm trọng hơn. Một số hoạt động dịch vụ bao gồm lưu trú và ăn uống, du lịch, vận chuyển hành khách và giải trí có thể giảm mạnh trong quý III/2020 với mức độ gần tương đương quý II/2020 và tiếp tục tăng trưởng âm trong quý IV/2020.
Với các điều kiện như vậy, dự báo ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng khiêm tốn 1,5%. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt là trong quý III và nửa đầu quý IV tiếp tục tác động không nhỏ tới xuất khẩu và thương mại.
Kỳ vọng vào EVFTA
Dù bức tranh nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại mang sắc màu u ám nhưng vẫn có những điểm sáng. “Chúng tôi dự báo ngành dịch vụ trong 6 tháng cuối năm 2020 chỉ tăng trưởng 3,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 0,6% của 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 7,7% của 6 tháng cuối năm 2019” – Phó Giám đốc Khối Phân tích VNDirect Trần Khánh Hiền nói.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp và xây dựng có thể ít chịu tác động hơn bởi sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 so với ngành dịch vụ, dự kiến trong nửa cuối năm 2020 sẽ đạt tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ và cải thiện hơn so với mức tăng trưởng 3% trong nửa đầu năm 2020. Nguyên nhân được cho là do chuỗi cung ứng toàn cầu dần được nối lại khi các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại và Chính phủ tăng tốc đầu tư công có thể thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng trong 6 tháng cuối năm 2020.
Trong tháng 7 giải ngân vốn đầu tư các dự án, công trình được tập trung đẩy nhanh, ước tính đạt 45.700 tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2020, đạt 203.000 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, những tín hiệu lạc quan, nhờ sự chủ động và kinh nghiệm mà Việt Nam đã tích lũy được trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Các chuyên gia phân tích từ VNDirect cũng kỳ vọng nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ phục hồi trở lại trong năm 2021 sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
“EVFTA không chỉ tác động lên yếu tố thương mại đầu tư, gỡ bỏ hạng mục thuế quan, tăng cường xuất khẩu… mà còn giúp Việt Nam tăng trưởng chất lượng nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói. Đầu tư trực tiếp 5 tháng đầu năm 2020, EU có 26/27 nước đầu tư vào Việt Nam với 2040 dự án với tổng mức đầu tư đạt trên 21 tỷ USD.
Dù đặt nhiều kỳ vọng vào tác động tích cực của EVFTA, song ông Nguyễn Anh Dương (Viện CIEM) cảnh báo, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ sẽ gia tăng trong thời gian tới, không chỉ ở thị trường Mỹ. Về phía các DN, mức độ thích ứng với thị trường trong nước có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tính toán gói hỗ trợ mới
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đang nghiên cứu, thu thập số liệu để đánh giá tác động kinh tế, đồng thời đưa ra dự báo phát triển trong tình hình mới. “Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu không để đứt gãy nền kinh tế.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ, triển khai có kết quả các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, ông Phương chia sẻ.
Hiện nay các cấp, ngành, địa phương trong cả nước đang triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của dịch Covid-19; thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế – xã hội và duy trì tăng trưởng năm 2020 trong điều kiện “bình thường mới”.
Kỳ vọng của cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế là sẽ có gói hỗ trợ phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Và không chỉ là kích thích tăng trưởng kinh tế, gói hỗ trợ này như khẳng định của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đó là phải đảm bảo đa mục tiêu, phải gắn với quản lý, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Có nghĩa, gói hỗ trợ sẽ không chỉ hướng đến mục tiêu trước mắt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, cho những người dân và DN bị ảnh hưởng, mà còn hướng đến các mục tiêu dài hạn hơn, tái cơ cấu để đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển hậu Covid -19.
“Nỗ lực kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng tới. Nỗ lực chi tiêu nhiều hơn và nhanh hơn của Chính phủ theo chúng tôi là hợp lý vì nó sẽ giúp kích thích tổng cầu trong nước khi các động lực tăng trưởng truyền thống – khó có thể hoạt động hết công suất trong tương lai do những bất ổn trong bối cảnh trong nước và quốc tế. Chính phủ cần sớm thực hiện các biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị cho khả năng suy thoái cán cân tài khóa trong những tháng tới”, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Jacques Morisset
“Tăng trưởng năm 2020 có thể không cao, nhưng việc giữ môi trường ổn định, tạo dư địa chính sách cho điều hành sẽ là “nền” cho tăng trưởng bền vững và chất lượng hơn trong những năm tiếp theo”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam PGS-TS Bùi Quang Tuấn
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tại Hội nghị trực tuyến xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 khu vực phía Bắc, nhiều địa phương đề nghị Bộ KH&ĐT tạo điều kiện cho phát hành trái phiếu Chính phủ; bố trí thêm nguồn vốn xây dựng công trình giao thông kết nối liên vùng để xây dựng đô thị thông minh; Sớm có dự kiến kế hoạch tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở đó các địa phương triển khai kế hoạch; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xây dựng đề án về ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo Trâm Anh/Kinh tế Đô thị