Để có khoảng 5.000 km vào năm 2030, Bộ GTVT đặt ra mục tiêu hoàn thành hàng loạt tuyến cao tốc trong dự thảo Tờ trình phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030. Việt Nam sẽ cần số vốn rất lớn để hoàn thành mục tiêu 5.000 km cao tốc tới năm 2030.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 1.163 km đường bộ cao tốc; dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916 km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079 km, đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000 km và năm 2030 là 5.000 km.
Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu cơ bản kết nối thuận lợi, từng bước xóa bỏ các hạn chế về điều kiện địa lý giữa các vùng, miền, khu vực, cho phép rút ngắn thời gian đi lại cũng như thay đổi khái niệm về không gian giữa các địa phương. Về nhu cầu vốn đầu tư các tuyến cao tốc: giai đoạn 2021 – 2025 cần khoảng 350.936 tỉ đồng (tương đương 15 tỷ USD), trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 219.523 tỉ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỉ đồng. Giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 395.670 tỉ đồng (khoảng 17 tỷ USD), gồm ngân sách nhà nước 209.164 tỉ đồng, huy động ngoài ngân sách 186.506 tỉ đồng.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách Nhà nước hàng năm đạt 3,5 – 4,5% GDP. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ tham gia các dự án PPP kém hấp dẫn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho các khu vực khó khăn. Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế. Nguồn vốn ngân sách sẽ sử dụng nguồn lực nhà nước phân bổ theo đầu tư công trung hạn, cân đối bổ sung từ nguồn vượt thu, nguồn dự phòng đầu tư công, nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương đồng thời cần sử dụng nguồn thu phí trên các tuyến đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đầu tư 5 tuyến cao tốc (Chợ Mới – Bắc Kạn, tuyến nối TP.Hà Giang với Nội Bài – Lào Cai, Hòa Bình – Mộc Châu – Sơn La, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Phú Thọ – Chợ Bến). Vùng đồng bằng sông Hồng đầu tư đường vành đai 4, 5 – vùng Thủ đô. Vùng bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ làm tuyến cao tốc Vinh – Thanh Thủy.
Vùng Tây nguyên đầu tư 4 tuyến cao tốc (Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Buôn Ma Thuột – Vân Phong, Quy Nhơn – Pleiku). Vùng Đông Nam bộ làm 8 tuyến đường bộ cao tốc (Dầu Giây – Tân Phú, Biên Hòa – Vũng Tàu, Chơn Thành – Đức Hòa, TP.HCM – Chơn Thành, TP.HCM – Mộc Bài, Gò Dầu – Xa Mát, vành đai 3, 4 – vùng TP.HCM).
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư 8 tuyến đường bộ cao tốc (Cần Thơ – Sóc Trăng – Trần Đề, Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ, Mỹ An -Cao Lãnh, An Hữu – Cao Lãnh, Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, Hà Tiên – Rạch Giá, Hồng Ngự – Trà Vinh).
Kế hoạch đề ra đến năm 2030 hoàn thành 5.000km cao tốc liệu có khả thi khi nguồn vốn cực lớn cần để đầu tư và câu chuyện khả thi để thu hồi vốn.
Nhật Hạ