Việt Nam đang thiếu nhà ở xã hội và thủ tục vay ưu đãi để mua loại hình nhà ở này không chỉ phức tạp mà còn gặp nhiều vướng mắc.
Nhìn lại 10 năm trước, gói 30.000 tỷ đồng có chặng đường triển khai gian truân khi vướng mắc từ quy định về đối tượng vay vốn, lãi suất, cho đến cách xác nhận thu nhập…, khiến không chỉ người vay mà ngay cả các ngân hàng cho vay cũng nản lòng.
Trong năm đầu tiên, gói 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 5%. Người dân liên tục lên tiếng về việc gặp khó khăn trong các thủ tục xác nhận tình trạng nhà ở, diện tích nhà, hộ khẩu từ phía chính quyền địa phương… Trong khi đó, vì sợ giải ngân sai đối tượng nên nếu không có thủ tục này thì các ngân hàng rất thận trọng khi xét duyệt hồ sơ.
Sau đó, Bộ Xây dựng nhiều lần gửi đề nghị tới các địa phương về việc hỗ trợ đẩy nhanh một số khâu xác nhận, đồng thời nhận định rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là đối tượng vay vốn quá hẹp, nên đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay tới người đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua và để bán cho công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên… Các trường hợp khó khăn về nhà ở và có đất ở phù hợp với quy hoạch cũng cần được nhanh chóng giải quyết về thủ tục triển khai và được vay vốn ưu đãi để xây dựng. Ngoài ra, thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình được đề xuất kéo dài từ 10 năm lên 15 năm, bổ sung một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, thay vì chỉ có 4 nhà băng như trước đó.
Nhờ một số quy định được điều chỉnh, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng của các ngân hàng có tín hiệu khả quan hơn khi chỉ trong nửa cuối năm 2014, con số giải ngân đã đạt hơn gấp đôi cả một năm trước đó.
Nhìn lại gói 30.000 tỷ đồng, nhiều thành viên thị trường cho rằng, cần giảm thiểu thủ tục theo cách tương tự để khơi thông gói 120.000 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, TS. Cấn Văn Lực nhận xét, hiện chưa có sự nhất quán về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận nhà ở xã hội, nên loại hình nhà ở này chủ yếu dành cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, mang tính “từ thiện”.
“Vấn đề này, cơ quan quản lý ở địa phương hiểu rất rõ. Vẫn có những quan điểm cho rằng, nhà ở xã hội là từ thiện, là xin – cho, như thế thì làm sao triển khai được nhà ở xã hội. Chúng ta cần thay đổi quan điểm về cách tiếp cận. Tôi đề xuất chính sách kinh tế nhân văn, vì phải có tính chất kinh tế, có sự hấp dẫn, chứ không phải là từ thiện, xin – cho”, ông Lực nói.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn C.E.O cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của Singapore, giúp tỷ lệ sở hữu nhà của người dân nước này hiện đạt 88,9%.
Singapore đã thiết lập một cơ quan nhà nước duy nhất phụ trách việc nghiên cứu, phát triển, phân phối, duy tu và bảo trì nhà ở xã hội là Ủy ban Phát triển nhà ở (HDB). Đây cũng chính là cơ quan đứng ra cho người dân vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua nhà trả góp.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Singapore rất thành công trong việc áp dụng hệ thống tiết kiệm bắt buộc. Theo hệ thống này, một người mua nhà ở trong tương lai phải tiết kiệm được một khoản tiền nhất định đã ghi trong hợp đồng vay vốn, trước khi người đó được phép vay tiền với lãi suất thấp hơn lãi suất trên thị trường.
Về lâu dài, nhà ở xã hội tại Việt Nam luôn cần đến sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo thể chế cởi mở, thủ tục hành chính ngắn gọn… để tư nhân cùng tham gia phát triển loại hình nhà ở vừa túi tiền.
Tổng Hợp
( Báo Đầu Tư)