Thực tế, việc xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành đã được nghiên cứu từ lâu và được đề xuất đưa vào các dự thảo trước đây. Yêu cầu xếp hạng tín nhiệm làm gia tăng thời gian và chi phí của tổ chức phát hành, nhưng là cần thiết đối với những thương vụ phát hành quy mô lớn, cũng là một thông lệ được áp dụng rộng rãi tại các thị trường phát triển.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 196.000 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều doanh nghiệp cần vốn và hoạt động lành mạnh không dám phát hành trái phiếu và ngược lại, không ít trường hợp chủ động mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn. Đối diện với sự thoái trào của kênh hút vốn này, thị trường kỳ vọng Nghị định 153/2020 sửa đổi sẽ được ban hành ngay trong tháng 9/2022.
Hiện nay, trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hầu hết phải nắm giữ đến ngày đáo hạn. Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận và các nhà đầu tư tự do giao dịch.
Thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa có tổ chức đầu mối nên khó quản lý, giám sát và nhà đầu tư còn thiếu thông tin, cơ sở hạ tầng để giao dịch khi có nhu cầu.
Sự tham gia của một đơn vị thứ ba độc lập là tổ chức xếp hạng tín nhiệm giúp tăng tính minh bạch, tạo cơ sở để nhà đầu tư có căn cứ định giá và xác định khẩu vị rủi ro của trái phiếu, đặc biệt với các nhà đầu tư cá nhân.
Ở nội dung “kỳ hạn phân phối trái phiếu”, thời gian phân phối được rút ngắn xuống không quá 30 ngày kể từ ngày được cơ quan quản lý chấp thuận, thay vì 90 ngày như trước đây.
So với những lần trước, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 lần này có sự thay đổi theo hướng “dễ thở” hơn… Chẳng hạn, về nội dung “mục đích phát hành trái phiếu”, dự thảo lần thứ 7 này không đặt ra hạn chế sử dụng vốn trái phiếu, bao gồm các mục đích góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hay cho doanh nghiệp khác vay vốn.
Sự thay đổi này được đánh giá là phù hợp với các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như thông lệ quốc tế, được cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và là cơ sở quan trọng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, từ đó đóng góp tích cực hơn vào việc truyền dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Hay như nội dung “kế hoạch phát hành trái phiếu”, mặc dù quy định mới tăng khối lượng công việc và hồ sơ phát hành trái phiếu, nhưng với một thị trường đang trong giai đoạn phát triển như thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, việc bảo vệ nhà đầu tư và bảo đảm thị trường phát triển ổn định, bền vững cần được ưu tiên hàng đầu. Do vậy, việc đưa thêm một số điều kiện để làm rõ chất lượng của tổ chức phát hành như năng lực tài chính, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản bảo đảm… là cần thiết.
Trong đó, dự thảo mới quy định, tổ chức phát hành phải có đánh giá xếp hạng tín dụng bắt buộc trong 2 trường hợp: Một là tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và 50% vốn chủ sở hữu; hai là tổng số trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành khi đăng ký phát hành mới lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.
Tổng Hợp