Việc sửa đổi luật đất đai không nên coi là “phép thử”, mà phải là “phép thật” để tạo một nền tảng chuẩn chỉ cho môi trường kinh doanh…
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 8/2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đến thời điểm này, dự thảo còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chưa lựa chọn được phương án hoàn thiện; nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau nhưng chưa đủ căn cứ, cơ sở để chỉnh sửa; nhiều nội dung cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất được chính sách, hướng tiếp thu nhưng chưa thể hiện được vào các điều khoản luật và đang đề nghị làm rõ thêm…
“Báo cáo những vấn đề lớn liên quan tới việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo dày tới 45 trang, nêu ra tới 29 vấn đề cần tiếp tục thảo luận và làm rõ, trong đó có những vấn đề được cho là cốt lõi của chính sách đất đai, chẳng hạn quy định về thu hồi đất”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Chưa kể, theo các chuyên gia, nhiều vấn đề quan trọng khác như nguyên tắc và phương pháp xác định giá đất, cách xác định bảng giá đất; cơ chế xử lý trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được 100% diện tích thực hiện dự án; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; cơ chế vận hành của quỹ phát triển đất… đến nay vẫn mơ hồ, thiếu tính thống nhất và khó khả thi.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây nhận định, đất đai là một tài nguyên quý giá, Nhà nước rất coi trọng nguồn lực từ đất đai và luôn muốn sử dụng hiệu quả nguồn lực này. Tuy nhiên, điều đó chỉ có được khi có một nền tảng pháp lý kinh doanh đủ mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhắc đến thể chế, chính sách là mọi người thường nghĩ đến việc tạo ra nhiều thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ… “Vậy thể chế, chính sách có phải là rào cản hay không?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Theo ông Hiếu, đây chỉ là một phần của thể chế, chính sách. Bản chất của thể chế, chính sách là tốt, là để hoàn thiện pháp luật, tạo một hành lang pháp lý cho việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, phát triển thị trường bất động sản, từ đó phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, do việc hoàn thiện thể chế còn tồn tại những bất cập nên dẫn đến sự hiểu nhầm.
“Để hoàn thiện thể chế, chính sách, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến hạ tầng của nó, chẳng hạn như dữ liệu thông tin. Nếu dữ liệu thông tin tốt, phạm vi thông tin đủ rộng, đảm bảo minh bạch… thì những thể chế, chính sách được ban hành sẽ phát huy vai trò của mình. Khi việc xây dựng thể chế, chính sách dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ thì còn góp phần phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Chẳng hạn, về định giá đất, nếu chúng ta không có một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin chất lượng thì vừa khó thực thi chính sách, khó định giá đất, vừa tạo cơ hội cho các đối tượng trục lợi”, ông Hiếu phân tích.
Theo các chuyên gia, tài nguyên đất đai là hữu hạn, nhưng “tài nguyên chính sách” lĩnh vực này là vô hạn và cần được khai thác đúng cách để phát huy hết giá trị của đất đai.
Tổng Hợp
(ĐTCK)