Thông tư 10 của NHNN chỉ là bước đi tạm thời để hỗ trợ doanh nghiệp BĐS tái cấu trúc. Việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Thông tư 06 chỉ là bước đi tạm thời.
Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào tối muộn ngày 23/8 đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, Thông tư số 10 của NHNN ngưng thi hành 3 quy định về nhu cầu vốn không được cho vay, gồm: Vay để bù đắp tài chính; vay để góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh, công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM; vay để góp vốn thực hiện các dự án không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật tại thời điểm quyết định cho vay.
Nếu so sánh với Thông tư số 39 trước đó thì các quy định về “những nhu cầu vốn mà tổ chức tín dụng không được cho vay” tại Thông tư số 06 có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây gần như không có nhiều thay đổi, chỉ bổ sung thêm quy định “cấm cho vay để gửi tiền”.
Hiểu đơn giản, việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Thông tư 06 đồng nghĩa doanh nghiệp bất động sản vẫn được vay vốn với một số mục đích như trước đây vẫn vay mà không bị “cấm cửa hoàn toàn”.
Ngược lại, cần lưu ý rằng Thông tư số 10 của NHNN có thể sẽ chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này được NHNN ban hành và thay thế.
Bình luận về vấn đề này, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng khoản 8, khoản 9 và khoản 10 được ban hành với mục đích cao nhất là kiểm soát được chất lượng tín dụng thông qua việc cố gắng kiểm soát mục đích sử dụng vốn của các khách hàng, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTD.
Về khoản 8, xét trên góc độ các doanh nghiệp đi vay, nhu cầu góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần là điều bình thường theo góc độ kinh doanh và dân sự. Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản với số lượng doanh nghiệp được thống kê khoảng 40.000 doanh nghiệp, giả sử mỗi doanh nghiệp chỉ thực hiện một dự án duy nhất thì số lượng dự án là 40.000, nhiều hơn số lượng dự án trong các ngành nghề kinh doanh khác.
Lĩnh vực bất động sản cũng yêu cầu lượng vốn đầu tư lớn, quy trình thực hiện dài, vì vậy cấu trúc sở hữu các doanh nghiệp thực hiện dự án cũng rất phức tạp, trong đó nguồn vốn ngân hàng đang là nguồn tài trợ chính yếu đối với lĩnh vực này nói riêng.
Về khoản 9, xét trên góc độ thực hiện dự án bất động sản, đối với quy trình pháp lý thực hiện kéo dài một dự án hiện tại. Việc quy định dự án cần đủ điều kiện kinh doanh theo pháp luật hiện tại khiến cho việc thực hiện dự án ngày càng khó khăn hơn. Cách thức còn lại là nhận chuyển nhượng dự án, tuy nhiên điều kiện để dự án được chuyển nhượng theo quy định hiện hành cũng rất khắt khe.
Về khoản 10, cho vay bù đắp tài chính, tuy nhiên chỉ được cho vay đối với các chi phí phát sinh dưới 12 tháng là điều kiện đang được xem là chưa phù hợp với thực tế kinh doanh của ngành nghề, khi các chi phí phát triển dự án thường kéo dài nhiều năm trước đó còn đang ách tắc. Ngoài ra, các chi phí chỉ hợp lệ khi là vốn vay đã nằm trong phương án đã gửi các TCTD xem xét trong các khoản cho vay trung, dài hạn.
Cũng theo nhóm phân tích, cùng với tình trạng hạn chế trong phê duyệt dự án, gánh nặng tài chính về chi phí lãi vay và huy động vốn của các doanh nghiệp cũng trong tình trạng khó khăn (hệ số người mua trả trước/hàng tồn kho giảm mạnh).
Mặc dù cấu trúc tài chính của các doanh nghiệp chưa ở mức báo động, nhưng vấn đề thanh khoản vẫn đang “nóng” khi trong 7 tháng năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể là 756 doanh nghiệp (tăng 17% so với cùng kỳ, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê).
VDSC cho rằng, xét trên góc độ cấp tín dụng, Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã có sự can thiệp nhằm kiểm soát việc cấp tín dụng tới lĩnh vực bất động sản. Sau diễn biến siết chặt của kênh trái phiếu, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục tăng rất mạnh, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%, theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế).
“Điều này hàm ý tín dụng vào bất động sản đang tập trung vào một số dự án có quy mô lớn hơn, trong khi tổng thể số lượng dự án được cấp phép và đủ điều kiện kinh doanh đang giảm rất mạnh. Diễn biến hiện tại nếu tiếp tục kéo dài cũng sẽ tạo ra rủi ro tập trung và có thể gây ra nguy cơ nợ xấu cao hơn trong tương lai”, nhóm phân tích cho hay.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)