Dự thảo Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt. Theo dự thảo, để tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp và tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm, trong thời gian tới…
Các doanh nghiệp bảo hiểm như AAA, BSH, VASS, Hàng không… từng đặt ra kế hoạch lên niêm yết từ nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được. Hiện toàn thị trường có 6 doanh nghiệp bảo hiểm có các cổ đông lớn là ngân hàng thương mại gồm ABIC, BIC, VBI, MIC, Bảo Long, OPES, MB Ageas.
Các doanh nghiệp này đều hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng các quy định về vốn chủ sở hữu và biên khả năng thanh toán.
Việc đưa cổ phiếu lên niêm yết sẽ mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm như huy động vốn mới, tạo dựng uy tín hơn với khách hàng, đối tác, nhưng áp lực với doanh nghiệp cũng lớn hơn. Đó là việc tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về hiệu quả kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin. Sức ép này sẽ buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải nâng cấp về năng lực tài chính, năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh, khi đó thị trường bảo hiểm mới phát triển lành mạnh và bền vững.
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, hiện có 7 cổ phiếu bảo hiểm đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, gồm PTI, MIG, BMI, PGI, PRE, VNR và BIC (PVI, BVH là hai công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính – đầu tư, sở hữu 100% vốn tại 2 công ty lần lượt là Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt, nên không có trong thống kê của Bộ Tài chính – PV). Ngoài ra, một số doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM như Bảo hiểm Hàng không (mã AIC), Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (mã ABI), Bảo hiểm Bảo Long (mã BLI)…
Trong số này, chỉ có VNR và PRE thuộc lĩnh vực tái bảo hiểm, các doanh nghiệp còn lại đều hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Như vậy, tính đến thời điểm này, chưa có gương mặt nào trong nhóm bảo hiểm nhân thọ hiện diện trên sàn chứng khoán.
Tổng hợp của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm Việt Nam hiện có 19 công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (không tính BVH và PVI), trong đó có 17 công ty bảo hiểm phi nhân thọ và 2 công ty tái bảo hiểm.
Với việc xếp hạng tín nhiệm, Bộ Tài chính cho rằng, hiện số lượng doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm vẫn còn thấp.
Tính đến cuối năm 2020, mới có 8 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm được A.M.Best xếp hạng, bao gồm Công ty TNHH Bảo hiểm Samsung Vina (xếp hạng A-), Tổng công ty Bảo hiểm PVI (xếp hạng B++), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (xếp hạng B+), Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (xếp hạng B++), Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (xếp hạng B+), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh (xếp hạng B++), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (xếp hạng B++), Công ty TNHH Bảo hiểm Fubon Việt Nam (xếp hạng B++).
Ngoài 7 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, vẫn còn 12 doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần nhưng chưa niêm yết, bao gồm Bảo hiểm Hàng không, Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp, Bảo hiểm Bảo Long, Bảo hiểm VietinBank, Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), AAA, Bảo hiểm OPES, Phú Hưng, Toàn Cầu, Xuân Thành, Hùng Vương và BSH. Như vậy, số doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết chỉ chiếm hơn 1/3 tổng số doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.
Theo Bộ Tài chính, việc đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết và thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện năng lực tài chính, quản trị, năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh vẫn còn một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có ý thức tuân thủ kém, chưa chủ động trong việc quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, Tạp Chí Kinh Tế)