Việc giải cứu là tích cực, tránh tác động đổ vỡ dây chuyền. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc có phải là “giải cứu người giàu”?
Không ít ý kiến cho rằng khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay tập trung vào nhóm người giàu là doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn. Và việc tháo gỡ khó khăn của thị trường như cứu nhóm người giàu.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra những gói hỗ trợ phù hợp, tương tự gói 30.000 tỷ đồng trước đó. Gói này là hữu ích, gần như cứu thị trường trong một thời gian dài và cũng là bệ đỡ để thị trường phát triển một cách ổn định và phát triển mạnh như giai đoạn vừa qua.
Theo đánh giá của không ít chuyên gia bất động sản, việc tiếp cận vốn vay của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay gặp khó khăn do không đủ các điều kiện cho vay của ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – hiện nay, sản phẩm của thị trường phần lớn là bất động sản cao cấp. Ông đặt câu hỏi: Doanh nghiệp không bán được hàng, thì nguyên nhân có phải do ngân hàng hay chính sách không?
Theo ông, doanh nghiệp phải có phương án tái cơ cấu về gia hạn nợ, khả năng chi trả gốc và lãi. Nếu ngân hàng tiếp tục “bơm” thêm tiền cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm bất động sản đang ế này, thì rõ ràng là không hợp lý.
“Người ở thực sẽ quyết định giá thực của thị trường. Doanh nghiệp kỳ vọng lãi, nhưng người mua không chấp nhận chi trả thì kỳ vọng trên là không thực tế. Doanh nghiệp cứ nói làm tốt, nhưng thị trường không chấp nhận thì làm sao có thanh khoản, thu được tiền”, ông Thanh nhấn mạnh.
Phủ nhận việc cho rằng ngân hàng đang siết tín dụng vào bất động sản, ông Thanh dẫn chứng số liệu năm 2022 cho thấy tỷ lệ tăng trưởng cho tín dụng bất động sản cao nhất từ trước tới nay. Mức tăng trưởng được giao cho toàn bộ hệ thống chỉ 14% nhưng riêng bất động sản đã tăng hơn 20%.
“Thị trường đang phát triển bình thường, không gặp khó khăn về room tín dụng. Dự án nhà ở xã hội ra tới đâu đều bán được ngay và sản phẩm tốt vẫn có nhiều người lựa chọn”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, cần có phương án tái cơ cấu, đặc biệt là trái phiếu, với những doanh nghiệp đang không có khả năng trả nợ gốc và lãi. Còn đối với những dự án bất động sản có sản phẩm cao cấp, không hướng tới đại đa số người dân, thì doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản phẩm.
“Nếu doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn mà không tái cơ cấu thì tiềm ẩn nguy cơ cho cả ngân hàng. Muốn ngân hàng cho vay thì doanh nghiệp phải có phương án tái cơ cấu khả thi, chứng minh được khả năng trả nợ”, ông Thanh nói.
Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 8/2 nhận được sự quan tâm đặc biệt khi gần đây Thủ tướng Chính phủ liên tục thúc giục ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp BĐS và người mua, đồng thời giảm chi phí để hạ lãi vay.
Tại cuộc họp, các nhà phát triển BĐS hàng đầu như Vingroup, Sun Group, Novaland, Hưng Thịnh… đã đồng loạt nêu ra 17 kiến nghị với NHNN. Đáng chú ý, các doanh nghiệp đều mong sớm được “cởi trói” về tín dụng – kênh dẫn vốn được xem là “lối thoát” để vực dậy thị trường trong bối cảnh cả kênh trái phiếu và cổ phiếu đều đang gặp khó.
Những tia hy vọng đầu tiên đã được thắp lên khi Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế trong đó có nhu cầu chính đáng của người dân vay mua nhà ở; tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án khả thi, có pháp lý rõ ràng, minh bạch, sớm hoàn thành đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, có khả năng trả nợ vay đầy đủ. Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay.
Nhấn mạnh tính cấp thiết của các giải pháp “giải cứu” thị trường BĐS, nhiều ý kiến cho rằng chỉ đạo của người đứng đầu NHNN giống như “phát súng lệnh” nhằm vào nút thắt tín dụng vốn đã bóp nghẹt thị trường cũng như các doanh nghiệp suốt gần 1 năm qua.
Để giải quyết khó khăn trên, về phía DN, cần nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu, xây dựng các chính sách kích cầu, giảm giá để đưa giá bán về phù hợp với thị trường, nhanh chóng xử lý hàng tồn kho, đảm bảo an toàn vốn. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện pháp lý để tăng thanh khoản cho các sản phẩm dở dang, thực hiện các nghiệp vụ M&A (sáp nhập và mua lại) dự án để thu hồi vốn. Các DN có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trái phiếu cao cần cân nhắc chuyển đổi trái phiếu thành sản phẩm BĐS cho khách hàng.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Kinh Tế Đô Thị)