Việc đánh thuế bất động sản sẽ tác động đến nhà đầu tư tham gia thị trường. Về tâm lý, người mua sẽ thận trọng xem mức độ ảnh hưởng của luật mới với họ, việc này sẽ trực tiếp làm giảm nguồn cầu trong ngắn hạn.
Việc đánh thuế này có thể sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đối với những người lướt sóng ngắn hạn. Những người chỉ cần lợi nhuận 5%-10% trong 1 giao dịch 1-2 tháng. Việc đánh thuế tài sản bất động sản sẽ tác động rất mạnh đến thị trường bất động sản trong ngắn hạn và những nhà đầu tư lướt sóng.
Trong dài hạn, khoản thuế đánh vào tài sản sẽ được người bán tính vào chi phí giá thành. Ông Kiên phân tích, giả sử mỗi năm thuế tính 1%, tài sản sau 3 năm chịu thuế 3%. Nếu tài sản giá mua vào 5 tỷ thì tổng thuế phải chịu là 150 triệu, giá vốn đầu tư thành 5,15 tỷ. Tuy nhiên, với thực trạng thị trường bất động sản tại Việt Nam, sau 3 năm, giá trị tài sản có thể tăng trung bình 30% – 50% ở khu vực dân cư ổn định và 100%-200% ở các khu vực nhiều tiềm năng đột biến về hạ tầng khu vực, thì mức thuế tài sản vẫn không đáng kể so với mức độ tăng giá, không ảnh hưởng nhiều với những nhà đầu tư trung – tài hạn.
Là một trong những chuyên gia kinh tế ủng hộ chính sách đánh thuế bất động sản từ sớm, TS. Đinh Thế cho rằng, chính sách này giúp tăng thu cho Nhà nước, góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản. Theo TS. Hiển, dù còn nhiều tranh cãi liên quan đến lộ trình hay cách đánh thuế như thế nào nhưng không nên trì hoãn việc áp dụng đánh thuế bất động sản.
Đánh giá về tác động của chính sách, vị chuyên gia này phân tích, nếu áp dụng đánh thuế căn nhà thứ hai, về ngắn hạn, giá bất động sản chưa ảnh hưởng, nhất là đất nền vùng ven, đất nông nghiệp do thuế suất sẽ còn thấp. Nhưng sau đó, giá bất động sản sẽ phải giảm về mức hợp lý dựa trên khả năng khai thác. “Không còn có chuyện một nhà đầu tư mua miếng đất hoặc căn nhà để không đợi tăng giá hưởng lợi, anh phải nộp thuế đều đặn hàng năm theo số tài sản sở hữu; họ buộc phải đưa vào khai thác để có nguồn thu nộp thuế, và khi đó giá bất động sản sẽ điều chỉnh dựa trên khả năng khai thác này”, ông Hiển nhấn mạnh.
Theo TS. Hiển, một căn nhà, một lô đất trong khu đô thị, một mảnh đất vùng ven sẽ không thể nằm đó mãi. Nhà đầu tư cũng không thể ung dung đợi Nhà nước làm đường để chờ tăng giá rồi bán. Họ phải tính toán nộp thuế, và do vậy họ không thể mua giá cao hơn khả năng khai thác hoặc chi phí cơ hội (chi phí nộp thuế chờ đất tăng giá). Giá đất từng bước đi vào sự hợp lý.
“Khi đó, chúng ta sẽ thấy có những nơi bất động sản vẫn cao giá như Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu,…vì nơi đó luôn có kinh tế sầm uất, nguồn thu khai thác cao; ngược lại những nơi chưa có kinh tế phát triển thì giá phải về mức phù hợp, và chỉ tăng lại khi nơi đó thật sự phát triển kinh tế, nhu cầu thuê cao”.
Trên cơ sở vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thi hành Luật thuế SDĐNN và Luật thuế SDĐPNN để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến bất động sản để báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ quy định tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến tài sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021-2030.
Được biết, trước đó trong văn bản ngày 24/2 gửi các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính có đề cập một số nội dung để đánh giá, rà soát lại một số Luật, theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao chủ trì. Cụ thể trong văn bản đó, Bộ đề cập việc “có gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không và bổ sung đánh thuế với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản”.
Nhiều ngày qua vấn đề thu thuế tài sản đối với nhà đất được dư luận quan tâm. Đây cũng không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất vấn đề này. Tháng 4/2018, Bộ Tài Chính từng đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản nhưng đã thu hồi do vấp phải sự phản ứng của dư luận.
Tổng Hợp