Từ nhiều tháng nay, trên các diễn đàn môi giới thường xuất hiện thông tin chào bán sản phẩm bất động sản (phần lớn là căn hộ) với mục đích “cắt lỗ”.
Việc bán “cắt lỗ” hiện chưa ồ ạt nhưng xuất hiện ở những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính quá lớn, những người ôm đất ở vị trí xấu nên muốn bán giữ an toàn. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư ôm nhiều đất, đến khi thị trường hạ nhiệt họ cơ cấu lại danh mục đầu tư nên chấp nhận cắt lỗ phần ít. Tuy nhiên, người môi giới này cho rằng, những người cắt lỗ trong thời điểm này đều có lý do riêng và không đại diện cho toàn thị trường.
Thời gian gần đây, các hội nhóm, trang rao bán bất động sản xuất hiện nhiều thông tin về sản phẩm bất động sản với những lời giới thiệu như “Cần tiền gấp nên bán…”; “Cắt lỗ lô đất…”; “Bán cắt lỗ gấp…”,…
Việc thông tin rao bán cắt lỗ được đăng tải rầm rộ dễ tạo cảm giác nhiều nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo tìm hiểu và nhiều môi giới cũng xác nhận, điều này không diễn ra trên diện rộng mà chủ yếu tập trung tại các dự án nhỏ lẻ, cách xa trung tâm, tiện ích và hạ tầng kết nối chưa đồng bộ…, đặc biệt tại nhóm nhà đầu tư sử dụng nhiều vốn vay từ ngân hàng.
Nhóm khách hàng rao bán cắt lúc này đa phần thiếu kinh nghiệm mua nhà, bởi thời gian đầu, việc chỉ cần thanh toán trước 15-20% giá trị căn hộ, lại được ân hạn lãi gốc đến khi nhận nhà tạo cảm giác khá nhẹ nhàng, nhưng khi hết thời gian ưu đãi thì cũng là lúc sức ép trả nợ xuất hiện.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn tài chính, Savills Hà Nội đánh giá, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn do cả yếu tố chủ quan và khách quan. Vì vậy, các nhà đầu tư cần thường xuyên đánh giá lại giá trị danh mục bất động sản mà mình đang nắm giữ để có thể đưa ra quyết định phù hợp.
“Với các nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, trước khi quyết định xuống tiền cần chú ý tới giá bán và pháp lý của bất động sản. Ngoài ra, trong bối cảnh diễn biến vĩ mô phức tạp hiện nay, nhà đầu tư cần tính toán kỹ khi sử dụng đòn bẩy tài chính để tránh lặp lại tình trạng ‘chết trên đống tài sản’ như từng xảy ra trong quá khứ”, bà Vân lưu ý.
Bước sang đầu năm 2022, tại nhiều khu vực thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững. Theo đó, sốt đất hạ nhiệt đã xuất hiện hiện tượng nhiều người bán nhưng không tìm được đầu ra của sản phẩm. Theo đó, nhiều người tỏ ra lo lắng nếu không bán nhanh, nếu thị trường xấu hơn nữa sẽ dẫn tới việc “chôn” vốn nhiều năm, thậm chí là lỗ sâu.
Trong bối cảnh đất nền sụt giảm tính thanh khoản, báo cáo tháng 8 của Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Việt Nam tiếp tục ghi nhận tình trạng thị trường TP HCM và vùng phụ cận xuất hiện việc một số nhà đầu tư giảm giá, cắt lỗ, giảm một phần lợi nhuận để tạo thanh khoản khi giao dịch đất nền, nhà phố/biệt thự.
Số liệu từ DKRA Việt Nam chỉ ra, giai đoạn giãn cách ở phía Nam khiến sức cầu thị trường đất nền không khởi sắc. Cả thị trường chỉ có 1 dự án mở bán mới với tỷ lệ tiêu thụ chỉ 26%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, tình hình giao dịch đất nền phía Nam ảm đạm. Tháng trước đó, thị trường không có dự án mới, tỷ lệ tiêu thụ 0%. Phân khúc nhà phố, biệt thự cũng chung tình cảnh này.
Cần nói thêm, trong tháng 7, DKRA ghi nhận tình trạng bán tháo, cắt lỗ có nhưng rất ít và không phổ biến, không mang tính đại diện cho toàn thị trường. Bởi, đó chỉ là một số ít nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn và không có khoản dự phòng để chi trả khoản vay khi thu nhập bị gián đoạn vì dịch bệnh. Thông tin rao bán giảm giá, cắt lỗ có thể chỉ giảm chút ít, thậm chí chỉ giảm lợi nhuận kỳ vọng chứ chưa phải tình trạng bán tháo.
Một nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường cho biết thêm, không thể loại trừ tình trạng cắt lỗ, bán tháo đất nền xảy ra ở một số khu vực mà trước đó đã xuất hiện tình trạng “sốt đất”. Giá bán tại thời điểm đó đã bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực nên nhiều người bị “mua hớ”, giá mua cao hơn giá trị thực rất nhiều. Do đó, ở thời điểm này, nếu có bán ra, họ sẽ chịu sự điều chỉnh giá của thị trường.
Tổng Hợp