Tâm lý của người Việt Nam lâu nay vẫn là “ăn chắc mặc bền” nên mua nhà đất, cảm giác sẽ an tâm hơn. Việc áp thời hạn cho nhà chung cư có thể gây biến động về giá các căn hộ chung cư trong thời gian tới…
Theo Bộ Xây dựng, về cơ bản các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trong Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần giải quyết cơ bản các vướng mắc tranh chấp trong nhà chung cư cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân trong nhà chung cư, từng bước tạo nếp sống văn minh đô thị tại nhà chung cư, khu chung cư. Tuy nhiên, pháp luật về nhà ở chưa có quy định về thời hạn sở hữu của nhà chung cư, trong khi đó, pháp luật về xây dựng đã quy định cụ thể về thời hạn sử dụng công trình, theo đó công trình phải có thời hạn sử dụng, hết hạn sử dụng mà nhà ở không đủ điều kiện tiếp tục sử dụng thì phải phá dỡ.
Trong văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng cho rằng, không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư với tất cả dự án mới vì cần phải đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Nhà ở với Luật Đất đai.
Theo đề xuất của HoREA, nên giữ nguyên quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014, trừ trường hợp cá biệt sở hữu có thời hạn như: căn hộ dịch vụ, căn hộ xây để cho thuê… “Nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tăng thêm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước; có sự phân biệt về quyền sở hữu nhà ở; nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ khiến giá biệt thự, nhà phố lại bị đẩy lên cao; tác động tiêu cực đến mục tiêu ưu tiên phát triển nhà chung cư tại đô thị đặc biệt, loại một và loại hai…”, HoREA nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư tại thời điểm hiện nay chưa phù hợp với tâm lý chung người mua nhà, sẽ có gây ra biến động thị trường, vô hình chung khuyến khích tâm lý mua đất ở, ảnh hưởng lớn tới chính sách phát triển nhà ở chung cư.
Tất cả các tài sản đều có thời hạn sử dụng và nhà chung cư cũng vậy. Do đó, khi tới thời hạn quy định thì các tổ chức có trách nhiệm sẽ đánh giá nhà đó còn tiếp tục ở được hay không. Nếu cần phải sửa chữa, xây dựng lại thì người dân phải được đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chỗ đó. Còn nếu có chính sách di dời thì phải đền bù thỏa đáng, đảm bảo chỗ ở của người dân.
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng nói rằng quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn, Bộ Xây dựng phải xem xét rất kỹ lưỡng. Bởi hiến pháp, luật pháp quy định ba loại quyền liên quan đến căn hộ chung cư: quyền sử dụng, quyền sở hữu căn hộ và quyền sử dụng đất. Ba loại quyền này phải được thiết kế như thế nào và bằng giải pháp rõ ràng. Do đó, trước khi đưa ra quy định này thì cần phải nghiên cứu xem thực chất nhu cầu sở hữu chung cư có thời hạn đối với người dân cũng như người nước ngoài như thế nào. Nếu đặt ra thời hạn sở hữu để đảm bảo an toàn cho chủ sở hữu căn hộ thì cần phải có giải pháp cụ thể đi kèm. Như đối với nhà phố thì sau 30 năm căn nhà xuống cấp, chủ nhà cũng phải bỏ tiền ra sửa chữa. Đối với căn hộ chung cư cũng thế, sau thời gian dài sử dụng, căn hộ xuống cấp thì chủ sở hữu cũng phải bỏ tiền ra để sửa chữa.
Tổng Hợp