Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những lý giải về việc hạn chế đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và giới hạn việc chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Quốc hội lý giải việc hạn chế đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ công ty không đại chúng (Ảnh: Internet)
Sáng 21/5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc báo cáo về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết có 3 luồng ý kiến về vấn đề này. Trước hết, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ các điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không đại chúng, cần luật hóa tối đa các quy định để bảo đảm phù hợp, đồng bộ với Luật Chứng khoán.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng trong dự thảo Luật. Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng cơ bản tương đồng điều kiện đối với công ty đại chúng. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về loại trái phiếu, hồ sơ, trình tự, thủ tục phát hành và giao dịch trái phiếu riêng lẻ; công bố thông tin định kỳ, bất thường; phát hành trái phiếu riêng lẻ ra thị trường quốc tế.
Có ý kiến đề nghị làm rõ đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu chỉ giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hay cần mở rộng cho cả nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ có ít thông tin và khả năng phân tích, đánh giá rủi ro hoặc khi các doanh nghiệp lạm dụng, triển khai các hình thức huy động vốn trái phiếu thiếu minh bạch.
Việc hạn chế đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và giới hạn việc chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không ảnh hưởng đến quyền của các nhà đầu tư khác không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và lợi ích của doanh nghiệp, phù hợp với Luật Chứng khoán và thông lệ phổ biến.
Cuối cùng, ý kiến thứ ba đề nghị bổ sung thêm đối tượng là “nhà đầu tư chiến lược” trong đối tượng tham gia mua trái phiếu riêng lẻ đối với trái phiếu chuyển đổi hoặc kèm theo chứng quyền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung quy định về nhà đầu tư chiến lược tại khoản 2 Điều 128, nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp trong việc thu hút các nhà đầu tư có định hướng và chiến lược trở thành cổ đông của doanh nghiệp, tương thích với quy định của Luật Chứng khoán.
Điều 128. Chào bán trái phiếu riêng lẻ (Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi)
Công ty cổ phần không phải là đại chúng chào bán trái phiếu riêng lẻ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng, các tổ chức khác và chào bán trái phiếu ra công chúng thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Đối tượng tham gia mua trái phiếu riêng lẻ bao gồm:
a) Nhà đầu tư chiến lược đối với trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ;
b) Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với trái phiểu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ và loại trái phiếu riêng lẻ khác.
Chào bán trái phiếu riêng lẻ là chào bán không thông qua phương tiện thông tin đại chúng và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Công ty đã thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã chào bán và đã đến hạn thanh toán hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có) trước ngày công ty quyết định phát hành trái phiếu;
b) Có Báo cáo tài chính của năm trước liền kề năm phát hành được kiểm toán;
c) Đảm bảo điều kiện về tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động theo quy định pháp luật;
d) Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan.