Từ đầu năm đến nay, thị trường tài chính liên tục phát hiện những vụ việc gian lận trong hoạt động trái phiếu, chứng khoán ở quy mô lớn. Điều này đã phần nào tạo nên tâm lý lo lắng của nhà đầu tư và gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường nói chung và các cổ phiếu ngân hàng nói riêng.
Ở bối cảnh vĩ mô hiện tại, xu hướng lãi suất tiếp tục đi lên, tăng trưởng tín dụng hạn chế và thiếu thanh khoản ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những tác động không tốt với thị trường bất động sản.
Vì ngân hàng là ngành xương sống mang nhiệm vụ cấp vốn cho nền kinh tế, nên hầu như trong quá khứ kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng khá tương đồng với diễn biến của nền kinh tế.
Còn về những cổ phiếu ngân hàng, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên nhìn lại hai giai đoạn sụt giảm mạnh năm 2018 và năm 2010 để có cái nhìn rõ nét hơn về những diễn biến của nhóm cổ phiếu này từ khi lao dốc cho đến khi hồi phục.
Cụ thể, giai đoạn năm 2009-2010, các cổ phiếu ngân hàng mất hơn 2 năm để tạo đáy (từ giữa 2009 đến 12/2011) và phải mất thêm khoảng 3 năm nữa (cuối 2014-2015) mới có thể phục hồi lại mặt bằng giá cũ.
Đợt điều chỉnh năm 2018, các cổ phiếu ngân hàng có giảm nhưng ở mức độ thấp hơn, và chỉ mất hơn 1 năm để phục hồi lại mặt bằng giá cũ.
Chuyên gia cũng chỉ ra điều khác biệt lớn nhất giữa hai đợt sụt giảm về giá cổ phiếu vào năm 2009 và năm 2018 đó là vào năm 2018, điều kiện kinh tế vĩ mô khá tốt, các ngân hàng tuy có tăng trưởng chậm lại nhưng kết quả kinh doanh vẫn ở mức ổn định trong hai năm 2018 và 2019.
Trong khi đó, vào năm 2010, vì việc nới lỏng tín dụng diễn ra thiếu kiểm soát, nên hệ quả theo sau là năm 2011 lạm phát lên cao. Vì lẽ đó, mặt bằng lãi suất buộc phải được nâng lên để khắc phục tình trạng đó. Từ đó, thị trường tài chính, bất động sản đã có những đỗ vỡ không nên có. Ngành ngân hàng vì thế cũng không tránh khỏi những liên lụy, như nợ xấu leo thang và mất một khoảng thời gian khá dài để tái cơ cấu. Đến năm 2014-2015 tình hình các nhà băng mới có tín hiệu khởi sắc trở lại. Song song với đà phục hồi của ngành ngân hàng, thị trường bất động sản cũng ấm dần lên.
Bên cạnh đó, việc thắt chặt trong khâu phát hành trái phiếu, khiến cho rất nhiều chủ đầu tư bất động sản gặp khó trong việc cân đối tài chính, đặc biệt khi khối lượng trái phiếu đáo hạn trong 1-2 năm tới là rất nhiều. Song song đó, các ngân hàng cũng đang ở trạng thái căng về “room tín dụng” – không còn nhiều dư địa để cấp tín dụng cho các chủ đầu tư bất động sản. Kết hợp hai yếu tố này, rủi ro thanh khoản của nhiều chủ đầu tư bất động sản cũng đã được đẩy lên cao.
Tổng Hợp