Trao đổi với VietnamFinance, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết: “Hiện Bộ GTVT đang chờ Chính phủ trình 8 dự án cao tốc Bắc – Nam và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ ra Quốc hội để xin ý kiến chuyển từ mô hình PPP sang đầu tư công. Tuy nhiên, đối với Bộ GTVT, đến tháng 5/2020, Bộ vẫn tiến hành đấu thầu, chọn nhà thầu cho các dự án trên”.
Ngoài ra, Bộ KH-ĐT và Bộ Quốc phòng cũng kiến nghị giao thầu thi công các dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam cho các DN quân đội thực hiện.
Trong đó, Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên chỉ định thầu cho Tổng công ty xây dựng Trường Sơn được tham gia thi công các gói thầu thuộc 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam phía đông dự kiến chuyển đổi theo hình thức đầu tư công, gồm đoạn Mai Sơn – QL45, QL45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây.
Về nội dung ưu tiên doanh nghiệp quốc phòng, ông Phương cho rằng, “Bộ KH&ĐT không đề nghị ưu tiên toàn bộ cho doanh nghiệp quốc phòng, vẫn đề nghị chỉ định thầu cho doanh nghiệp dân sự. Về việc doanh nghiệp tư nhân kết hợp với các doanh nghiệp quốc phòng để được ưu tiên, ông Phương cho rằng đó cũng là điều bình thường, đúng theo thị trường”.
Lo ngại có thể thiên vị, lợi ích nhóm nếu chỉ định thầu 9 dự án nêu trên, ông Phương cho hay: “Hiện thẩm quyền chỉ định thầu hay đấu thầu thuộc về Thủ tướng theo điều 26, Luật Đấu thầu. Để tham mưu cho Thủ tướng, Bộ KH&ĐT cũng có trách nhiệm tham mưu nhưng chủ trì là Bộ GTVT. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, lợi ích nhóm hay không thì phụ thuộc vào Bộ GTVT”, ông Phương nói.
Bộ GTVT bảo lưu quản điểm nên đấu thầu
Chia sẻ với VietnamFinance, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: “Trong tháng tới, Chính phủ sẽ trình 8 dự án cao tốc Bắc – Nam và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ ra Quốc hội để xin ý kiến chuyển từ mô hình PPP sang đầu tư công. Vì thế, đến thời điểm này, Bộ vẫn tiến hành các thủ tục để thực hiện đấu thầu trong tháng 5/2020, lộ trình khởi công trong tháng 8 và tháng 9/2020”.
“Về tiến độ thời gian, nếu thực hiện theo lộ trình thì việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu chỉ chậm hơn 15 ngày so với chỉ định thầu nên sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ngoài ra, việc đấu thầu, công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu quốc phòng, cũng như dân sự tham gia cạnh tranh bình đẳng”, ông Nhật nói.
Trao đổi với VietnamFinance, một số DN xây lắp lo ngại: Nếu tiếp tục chỉ định thầu các dự án cao tốc Bắc – Nam liệu có đi vào “vết xe đổ” tại các dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 trước đây. Việc “chỉ định thầu” liệu có chính xác 100% hay đôi khi “cảm tính”?
“Tôi cho rằng, việc công khai, minh bạch phải đặt lên hàng đầu, không nên chỉ định thầu cho một vài DN nào đó dù là DN quốc phòng, không bình đẳng với các DN khác”, một lãnh đạo DN xây lắp kiến nghị.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Lê Thắng, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (PMU 2) – đơn vị đang quản lý 2 tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn và Hoài Nhơn – Quy Nhơn đánh giá: Đây là công trình trọng điểm quốc gia việc đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước, xóa bỏ cơ chế xin- cho. Đồng thời, đấu thầu sẽ tuân thủ theo đúng quy định hiện hành như luật đấu thầu, luật đầu tư công và các quy định khác dưới luật…
“Xin nhắc lại, đây là công trình trọng điểm nên từ việc lựa chọn nhà thầu sẽ được xem xét rất kỹ qua tổ giám sát liên ngành thành viên các Bộ ngành nên công việc kiểm soát rất tốt trong việc lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, đây là gói kích thích, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thực hiện đấu thầu sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu tham gia, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng bởi covid -19”, ông Thắng nói.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ, “tôi ủng hộ phương án đấu thầu chọn nhà thầu trong nước nếu các dự án cao tốc sử dụng vốn ngân sách. Bởi việc đấu thầu minh bạch hơn chỉ định thầu và các dự án ngân sách cần đấu thầu theo quy định Luật đầu tư công.
“Nếu giao thầu thì nhiều người lo ngại có lợi ích nhóm. Tôi nghĩ chưa chắc Quốc hội đồng tình với đề xuất này”, ông Ngô Trí Long nói.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Dự án cao tốc Bắc – Nam đang được nhiều nhà thầu trong nước quan tâm, kể cả lúc tổ chức sơ tuyển đấu thầu quốc tế đã có 15 bộ hồ sơ của các nhà thầu có tên tuổi, kinh nghiệm và năng lực đã tham gia như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Đèo Cả, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Cổ phần Tasco, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phương Thành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Thắng, Cienco 4…
Ngoài ra, còn rất nhiều nhà thầu khác có khả năng tài chính chưa tham gia như Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hạ tầng, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam và hàng loạt Tập đoàn nổi tiếng Vingroup, Sun Group, Xuân Thành…. Bên cạnh đó, còn có liên doanh các đơn vị đang sẵn sàng tham gia đấu thầu như: Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp – Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng – Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 – Công ty Cổ phần Xây dựng Trường Sơn – Vinaconex 2; Liên doanh Liên danh Công ty CP Xây dựng Coteccons – Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6; Liên danh IDICO – Cường Thuận… Vì thế, năng lực tài chính và kinh nghiệm của các đơn vị trên sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh xây lắp minh bạch, sòng phẳng. |
Nguồn VietnamFinance: https://vietnamfinance.vn/vi-sao-bo-gtvt-chon-dau-thau-8-tuyen-cao-toc-bac-nam-va-cao-toc-my-thuan-can-tho-20180504224237697.htm