Lực lượng nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận” do giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt nhưng các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước hầu hết đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký.
Thực tế cho thấy, giá vật liệu xây dựng tăng không chỉ ảnh hưởng đến nhà thầu xây dựng, mà doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng cũng lâm vào cảnh “kẻ khóc, người cười”, kết quả kinh doanh quý 3 cho thấy, các công ty sản xuất xi măng “méo mặt” vì than tăng, trong khi công ty thép lại vượt kế hoạch cả năm “bằng lần” chỉ sau 9 tháng.
Giải trình biến động cho kết quả kinh doanh quý 3, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HOSE: HT1) cho biết, do ảnh hưởng của việc giãn cách tại 19 tỉnh thành phía Nam để chống dịch từ tháng 7/2021 đến hết tháng 9/2021 làm sản lượng tiêu thụ xi măng giảm 55% dẫn tới doanh thu giảm 945 tỷ. Ngoài ra giá nguyên nhiên liệu chính cho sản xuất xi măng như than, dầu, thạch cao tăng giá mạnh trong năm 2021 trong khi công ty chưa tăng được giá bán xi măng. Kết quả làm giảm lợi nhuận gộp 287,6 tỷ đồng so với Quý III/2020. Lợi nhuận gộp giảm mạnh dẫn tới lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ Quý III/2021 lỗ 19,70 tỷ đồng, giảm 167,8 tỷ đồng so với Quý III/2020 và kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất Quý III/2021 lỗ 19,6 tỷ đồng, giảm 168,1 tỷ đồng so với Quý III/2020.
Tương tự, CTCP Xi măng VICEM Hải Vân (HOSE: HVX) cũng báo lỗ ròng 1,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 817 triệu đồng. Nguyên nhân do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh nhất là than, thạch cao.. so với năm 2020.Trái ngược với kết quả kinh doanh ảm đạm của họ nhà xi măng, nhiều doanh nghiệp thép báo lãi lớn dù doanh thu giảm. Đơn cử, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) đã công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu đạt 4.140 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 127 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
SMC cho biết, sản lượng tiêu thụ quý III chỉ bằng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá bán duy trì ở mức cao, giá vốn ở mức bình quân thấp giúp biên lợi nhuận tốt, đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí cố định và có lãi.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp nhận định hiện nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng.
Thông tin từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá than. Hiện giá than trong nước tăng bình quân từ 7 – 10%, dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò tăng giá trên 10% và hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi măng cũng tăng giá. Trong khi đó, giá than chiếm 40 – 45% giá thành sản xuất xi măng.
Chính vì vậy, từ ngày 25/10, giá xi măng đã tăng rất mạnh, trung bình từ 80.000 – 100.000 đồng/tấn và đang gây sốc cho thị trường vật liệu xây dựng. Bên cạnh giá xi măng, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu… Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg. Với thương hiệu thép Thái Nguyên tại miền Bắc, thép CB240 tăng 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg, thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg.
Thép cuộn CB240 thương hiệu Việt Đức tại miền Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg, lên 16.950 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, lên 17.200 đồng/kg.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)