Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quí II và 6 tháng đầu năm 2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), các chuyên gia đã tiếp tục đưa ra cảnh báo đối với sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây.
Theo dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và HNX, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong 6 tháng đầu năm ước tính ở mức 159 nghìn tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kì năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm, các NHTM phát hành 42,5 nghìn tỉ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 6,72%/năm và kì hạn bình quân 4,7 năm. Với mức mức chênh lệch lãi suất giữa TPDN và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường.
Tuy nhiên, do tại Việt Nam chưa tồn tại một tổ chức độc lập và uy tín để xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng sự nóng lên của thị trường trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu DN không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, đánh giá.
Theo VEPR, trước mắt do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực đối với việc trả nợ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn, làm tăng rủi ro vỡ nợ.
Đặc biệt, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cùng lúc đó các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân, khiến nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua TPDN. Từ đó gây nên việc thị trường TPDN tăng trưởng nóng, nguy cơ sụp đổ cao.
Cũng chính vì lí do trên, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi nhiều qui định về điều kiện phát hành trái phiếu so với qui định cũ như dư nợ phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quí gần nhất, các đợt phát hành phải cách nhau ít nhất 6 tháng…
Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, qui định trên sẽ khiến thị trường TPDN riêng lẻ hạ nhiệt. Đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản vốn cần huy động vốn lớn, hệ số đòn bẩy 5 lần là quá thấp, việc hạn chế thời gian phát hành không quá 2 lần/năm gây khó cho doanh nghiệp.
Dù vậy, Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những giải pháp mà Nghị định 81 đưa ra là chưa đủ để thị trường TPDN phát triển lành mạnh và bền vững. Đặc biệt, việc tuân thủ các qui định về công bố thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vẫn còn khá “xông xênh”.
Theo đó, trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp phát triển thị trường bền vững như phát triển thị trường thứ cấp, doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm, cần bổ sung thêm các qui định nghiêm ngặt về công bố thông tin.
Hoàng Trung
Theo Kinh tế & Tiêu dùng