Việc giá đất ở một số tỉnh thành tăng mạnh trong thời gian qua bởi kì vọng về phát triển hạ tầng, tốc độ đô thị hóa tại địa phương.
Thị trường Hà Nội ghi nhận một số dự án nhà ở ven đô đang có giá dự kiến khoảng 50-60 triệu đồng/m2 cho chung cư và 200 – 300 triệu đồng/m2 cho shophouse.
Có thể thấy, việc giá bất động sản tại nhiều khu vực nông thôn đã được đẩy lên ngưỡng cao quá nhanh trong khi giao dịch thực (mua để ở, kinh doanh) khá ít mà chủ yếu là đầu cơ đang tiềm ẩn nguy cơ bong bóng, làm méo mó bức tranh thị trường và thậm chí ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các địa phương.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giưới BĐS Việt Nam (VARs) nhận định hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn thời gian gần đây đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp. Theo đó, giá đất được đẩy cao chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn. Nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu/m2. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu/m2 trong khi hầu như không có sự phát triển về hạ tầng tương xứng.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Đính, việc giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên cao đã làm chùn bước sự quan tâm của các nhà phát triển bất động sản. Bởi lẽ, giá đất quá cao khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Đã có hiện tượng doanh nghiệp lớn rút lui, sau khi vừa mới đăng kí tham gia nghiên cứu đầu tư tại những khu vực này.
Về vấn đề này, mới đây tại một báo cáo của Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra việc giới đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị qui hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị,… nhằm đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Đồng thời, trong suốt 10 tháng đầu năm 2020, thị trường BĐS Hà Nội bị “nén” lại do tác động của đại dịch Covid-19, nên khi kiểm soát được dịch bệnh đã giúp cởi trói thị trường, khiến giá BĐS tại nhiều nơi tăng cao.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS cho biết thêm, giá đất tăng mạnh ở những huyện đã được quy hoạch lên quận, như Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng và Gia Lâm.
Phân tích từng khu vực, ông Tuấn cho biết: Tại Thanh Trì, vào tháng 6, tháng 7/2020, khu vực này bỗng nhiên đồn thổi thông tin sẽ được lên quận sớm hơn dự tính (năm 2025), nhiều cò đất, đầu nậu đã tranh thủ cơ hội hiếm có này để đẩy giá đất Thanh Trì lên cao.
Theo ghi nhận, tại các vùng nông thôn thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa,… đang ghi nhận giá đất tăng chóng mặt với mức tăng cả chục lần.
Đứng sau những “cơn lốc” tăng giá đó là hoạt động môi giới, mua đi bán lại diễn ra rất sôi động, bất kể ngày đêm, bất chấp cả dịch bệnh như trường hợp tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất) đầu năm.
Bước sang tháng 11, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đang có “bước nhảy” khá mạnh về cả giá trị lẫn khối lượng giao dịch. Nhiều nơi, giá đất đã tăng từ 3 – 50% so với tháng 6/2020. Trong đó, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức là 4 huyện có mức tăng mạnh nhất.
Tại khu vực phía Nam Hà Nội, bao gồm quận Hoàng Mai và Thanh Trì, giá nhà ở trong khu dân cư đã tăng từ 3 – 5% so với đầu tháng 6, dao động khoảng 30 – 55 triệu đồng/m2 (nhà mặt ngõ) và từ 80 – 150 triệu đồng/m2 (nhà mặt đường).
Một số xã như Kim Chung, Đức Thượng và thị trấn Trạm Trôi, giá đất mặt đường đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi chủ đất còn “hét giá” tới 150 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, giá đất nền và đất dự án ở xung quanh Đại lộ Thăng Long cũng rục rịch tăng giá sau gần 10 năm “nằm im”. Đặc biệt, có một số dự án đô thị bỏ hoang tại khu vực này cũng bắt đầu “nóng” trở lại, giá đất tăng trên 40 triệu đồng/m2.
Cũng nằm ở phía Tây Hà Nội, thị trường BĐS Đan Phượng cũng đang “nóng” lên từng ngày. Trong đó, giá đất nền tại các xã dọc Quốc lộ 32 đã tăng 10% – 15% lần so với đầu năm, giá thị trường được chấp nhận trong khoảng 80 – 120 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, giá đất làng, đất mặt ngõ tại Đan Phượng đã tăng 2 lần chỉ trong thời gian ngắn. Nếu như cuối năm 2019, giá đất mặt ngõ tại Đan Phượng được dân môi giới chào mời với giá 15 – 17 triệu/m², nhưng nay tăng lên 25 – 30 triệu đồng/m².
Ở phía Đông Hà Nội, Gia Lâm vẫn là “điểm sáng” của thị trường, với tốc độ tăng giá từ 3% – 10% ở một số xã như Kiêu Kỵ, Đa Tốn và Đặng Xá. Trong đó, thị trấn Trâu Quỳ tăng mạnh nhất, lên tới 15% so với năm trước. Nhiều chủ đất mặt đường tại thị trấn Trâu Quỳ chỉ chấp nhận giao dịch với giá trên 100 triệu đồng/m2, có nơi đạt “đỉnh” tới 160 triệu đồng/m2.
Giá đất nông thôn, vùng ven các huyện ngoại thành Hà Nội đang tăng chóng mặt đặt ra nguy cơ bong bong, mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.