Với nhóm khách hàng cá nhân, lãi suất vay thế chấp đã lên tới mốc 16%/năm, tạo áp lực lớn lên nhóm người vay mua nhà đất…
Lãi vay tăng trong bối cảnh lãi suất huy động từ giữa năm liên tục dâng cao. Gần đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kêu gọi áp dụng lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất, tối đa là 9,5%/năm. Động thái vào cuộc đã giúp cuộc đua có phần hạ nhiệt. Ngoài ra, nhiều ngân hàng tháng cuối năm cũng rộn ràng truyền thông việc giảm lãi suất cho vay.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái cứng rắn liên quan tới điều hành tín dụng và lãi suất. Văn bản ngày 22/12 của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ sẽ theo dõi và có biện pháp xử lý các nhà băng tiếp tục tăng lãi suất. Trước đó, cơ quan này cũng đã yêu cầu các nhà băng phải báo cáo hàng tuần việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi và cho vay.
Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 hôm 27/12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết đã quán triệt các ngân hàng giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực của từng tổ chức tín dụng. Ông yêu cầu giảm lãi suất nhưng không để các ngân hàng suy yếu về năng lực tài chính. Đồng thời, các nhà băng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong số đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra và nâng cao hiệu quả giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tô chức tín dụng…
Lãnh đao Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Việc vay ở nhiều ngân hàng đã “dễ thở” hơn từ đầu tháng 12, sau khi room tín dụng được điều chỉnh tăng. Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5-2%, tức tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay lên 15,5-16% so với mục tiêu đầu năm là 14%. Quy mô tín dụng cho nền kinh tế tăng thêm 180.000-200.000 tỷ đồng trong giai đoạn cuối năm.
Nhưng ngay cả khi việc vay dễ hơn, lãi suất vẫn ở mức cao. Thực tế, sẽ có sự khác biệt đối với từng khách hàng, mục đích vay, lĩnh vực… song với nhóm khách hàng cá nhân, lãi suất vay thế chấp mặt bằng chung đã lên tới mốc 16%/năm. Điều này tạo áp lực lớn lên nhóm người vay mua nhà đất. Lãi suất thả nổi lên khoảng 10-12% tại khối ngân hàng có vốn Nhà nước và 14-16% tại nhóm nhà băng tư nhân.
Anh Trần Bình, nhân viên tín dụng chuyên tư vấn cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp tại Hà Nội nói ngân hàng anh làm đã có thêm dư địa vay cho tháng cuối năm, song vẫn có khách chần chừ do mức lãi suất cao.
Hiện khoản vay lưu động của doanh nghiệp thông thường tại nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước trong khoảng 8-9%/năm, còn tại nhóm ngân hàng tư nhân, lãi suất dao động 10-12%/năm.
“Dù nhóm khách hàng nào cũng phải cộng thêm cả phí và tiền bảo hiểm bằng khoảng 2-4% giá trị khoản vay tùy từng nhà băng mới ra được lãi vay thực tế”, anh Bình nói.
Còn với nhân viên tín dụng chuyên tư vấn vay doanh nghiệp như anh Bình, việc có thêm room giải ngân là điều mong chờ sau nhiều tháng room tín dụng “kẹt”, song vẫn cần thận trọng bởi các doanh nghiệp nộp hồ sơ từ trước đẹp nhưng tới nay có thể không còn.
Nhưng thực tế, mức giảm chỉ áp dụng trong thời gian ngắn là một tháng cuối năm, số ít ngân hàng áp dụng đến giữa năm sau và tại nhiều ngân hàng chính sách giảm lãi suất cũng chỉ áp dụng cho người vay mới hoặc nhóm đối tượng nhất định. Với các động thái trên, mặt bằng lãi suất đầu ra vẫn ở mức cao.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Báo Đầu Tư)