Theo khảo sát, bước sang quý đầu tiên của năm mới, nhiều ngân hàng vẫn đang duy trì mức lãi suất cao đã áp dụng từ năm cũ.
Được biết, để đảm bảo thanh khoản toàn hệ thống, tín dụng được đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho nền kinh tế và giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong năm 2023, Hiệp hội Ngân hàng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm 2023 để các tổ chức tín dụng có kế hoạch xây dựng kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng có giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng trong tình hình cần thiết.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm các chi phí để chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trước đó, sau đà tăng mạnh lãi suất cho vay, một số ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay nhằm cung ứng vốn, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và giúp khách hàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện đã có 16 tổ chức tín dụng đăng ký, cam kết giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5-2%/năm, có đơn vị giảm lãi suất cho vay tới 3,5%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất cực kỳ ưu đãi. Trong đó, sẽ tùy thuộc đối tượng và mục đích vay vốn mà mức giảm sẽ từ 1,5-2%/năm so với lãi suất thông thường.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đưa ra chương trình vay ưu đãi trị giá 7.000 tỷ đồng với mức giảm lãi suất cho vay lên tới 1,5%/năm cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Còn HDBank là ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhiều nhất với mức giảm lên đến 3,5%/năm với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, các ngân hàng Eximbank, ACB, Vietcombank, Agribank, BIDV cũng công bố chương trình giảm lãi suất cho vay từ 0,5-3%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay nhưng với lãi suất trung bình vẫn cao như hiện nay thì mức giảm từ 0,5-2%/năm vẫn không đáng kể bởi người vay tiền vẫn phải chịu mức lãi suất trên 10%. Đồng thời, động thái giảm lãi suất chỉ diễn ra nhỏ lẻ, không phải là xu hướng chung, đồng thời, các ngân hàng cũng không áp dụng giảm lãi suất cho vay đại trà mà chỉ hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh cụ thể và bất động sản không nằm trong lĩnh vực được ưu tiên.
Bước sang quý đầu tiên của năm 2023, room tín dụng đã được phân bổ theo chỉ tiêu của năm mới nhưng theo các ngân hàng thương mại thì nhu cầu vốn từ thị trường vẫn rất cao. Ngay trong những ngày đầu năm mới, không ít chi nhánh, phòng giao dịch đồng loạt gửi hồ sơ duyệt vay vốn về hội sở chính của các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn cao, room tín dụng vẫn cần được kiểm soát chặt thì lãi suất cho vay sẽ khó giảm xuống…
Trong báo cáo triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 2023, Trung tâm Giải pháp và Giao dịch Shinhan (Shinhan Bank) dự báo năm 2023, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng do các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị gia tăng.
Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất và nỗi lo lạm phát giảm bớt, tỷ giá USD/VND sẽ dần ổn định và có xu hướng giảm.
Dù vậy, với suy thoái kinh tế toàn cầu, khối lượng giao dịch giảm, rủi ro thị trường bất động sản gia tăng do các quy định chặt chẽ hơn và lãi suất tăng,… tỷ giá USD/VND vẫn có thể tăng.
Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra những thách thức đối với thị trường ngoại hối Việt Nam như suy thoái kinh tế toàn cầu (tổng cầu giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm), các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt mạnh mẽ, lo ngại nợ xấu do các khoản nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng, khó khăn về dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản.
Tuy vậy, cùng với thách thức cũng có những cơ hội như Fed giảm tốc độ tăng lãi suất giúp kìm hãm sự mạnh lên của đồng USD, Mỹ dẫn dắt việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, các chính sách của NHNN để hỗ trợ đồng nội địa và môi trường hấp dẫn cho FDI.
Nhận định về động thái điều hành chính sách của NHNN, chuyên gia ước tính rằng Việt Nam đã chi hơn 20% dự trữ ngoại hối để đối phó với sự lên giá của USD gần đây, làm hạn chế việc can thiệp bổ sung.
“NHNN sẽ thận trọng hơn khi bán ngoại tệ trong tương lai và thay vào đó có thể sẽ lựa chọn tăng lãi suất”, báo cáo viết.
Trái ngược với nhận định cho rằng VND tiếp tục mất giá so với USD trong năm 2023, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặc dù tốc độ tăng lãi suất đã bắt đầu chậm lại, nhưng xu hướng tăng lãi suất của các NHTW chưa chấm dứt điển hình là Fed, ECB hay BOE.
Trong đó, ECB thậm chí đã đưa ra thông điệp về lộ trình tăng lãi suất chậm rãi nhưng thời gian tăng kéo dài hơn.
Trong nước, dòng vốn FDI toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực trong xu hướng phản toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xét trên khía cạnh kiều hối, lượng kiều hối dự báo có thể tăng trưởng chậm lại khi kinh tế toàn cầu đi vào giai đoạn khó khăn và các nguồn ngoại hối ngoài đồng USD có giá trị quy đổi giảm khi đồng USD duy trì sức mạnh trong năm 2023.
Do vậy, VND sẽ vẫn còn dư địa giảm giá so với đồng USD, thậm chí với mức dự báo giảm giá khoảng 2%-3% trong năm 2023.
Dưới góc độ nhà điều hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ cố gắng duy trì sự ổn định của tỷ giá trong năm 2023, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu.
Đặc biệt là tạo điều kiện tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài về Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng đồng ngoại tệ, đảm bảo nguồn lực mà Chính phủ, các doanh nghiệp đang vay ở nước ngoài, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp khi tỷ giá có những biến động, hạn chế tâm lý kỳ vọng của thị trường.
“Nếu điều kiện thuận lợi cho phép, kể cả tỷ giá và lãi suất sẽ điều hành theo hướng giảm thấp”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Dân Việt)