Trong một nghiên cứu mới đây của Cheema, Faff và Szulczyk (2020)(1), nhóm tác giả đã tìm câu trả lời cho câu hỏi: liệu các tài sản trú ẩn được sử dụng trong đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 như… vàng có còn hiệu quả cho những ngày thị trường bị chao đảo do dịch Covid-19?
Giới đầu tư tài chính luôn có công cụ phòng ngừa rủi ro cho mình, đặc biệt trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Thị trường tài chính thế giới đã bị chao đảo nhiều lần trong tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và trở thành đại dịch toàn cầu. Khi bán tháo hàng loạt các danh mục cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ phải tìm đến các tài sản trú ẩn tạm thời để bảo vệ giá trị tài sản của mình.
Đã từ lâu, kim loại quý (vàng, bạc), đồng tiền mạnh (đô la Mỹ – USD, Franc Thụy Sỹ – CHF), công trái của Mỹ (T-bill, T-bond) được coi là nơi trú ẩn tạm thời an toàn khi có khủng hoảng. Gần đây, có một số ý kiến cho rằng tiền mã hóa (cryptocurrencies) như bitcoin cũng có thể được xem là tài sản trú ẩn an toàn nhưng cũng có ý kiến cho rằng thực ra đây là tài sản hết sức rủi ro vì thuộc tính đầu cơ của nó.
Dung hòa giữa hai nhận định trái ngược này là việc ủng hộ sử dụng các loại tiền mã hóa có tài sản đảm bảo (using asset-backed cryptocurrencies) như Tether làm tài sản trú ẩn. Các loại tiền mã hóa có tài sản đảm bảo, hay còn gọi là stablecoins, thường được neo vào các tài sản có tính ổn định cao như vàng hay các đồng tiền mạnh.
Nghiên cứu nói trên của Cheema, Faff và Szulczyk (2020) đã phân tích dữ liệu của 10 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh Quốc, Ấn Độ, Ý, Brazil và Canada vì đây là những thị trường mà giới đầu tư tài chính quốc tế quan tâm nhất. Để xem xét một tài sản có là tài sản trú ẩn hay không, nhóm tác giả xem xét trong những ngày thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng nhất (ở đây là chỉ số SP500), thì các tài sản này có mức sinh lợi (returns) là dương hay gần bằng 0 hay không.
Kết quả đầu tiên mà nhóm tác giả tìm được đó là vàng không còn được hiệu quả như lần khủng hoảng năm 2008. Ở khủng hoảng năm 2008, trong 10 ngày thị trường bị chao đảo mạnh nhất có 6/10 ngày vàng đã là cứu cánh. Trong khi đó, trong 10 ngày chao đảo của thị trường vào tháng 3-2020 thì vàng chỉ hiệu quả trong 3/10 ngày.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, nổi bật nhất là ngày 16-3-2020, SP500 rực lửa giảm 12,76% thì vàng cũng giảm 1,89%, trong khi vào ngày 12-3-2020 SP500 giảm 9,99% thì vàng giảm mạnh đến 4,87% và bitcoin giảm khủng khiếp 46,47%. Còn trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008, SP500 giảm 9,35% vào ngày 1-12-2008 thì vàng cũng giảm 4,91%, và bạc giảm đến 8,67%. Trong ngày này thì các tài sản trú ẩn khác đều tăng, cá biệt USD tăng 1,21%.
Theo nhóm tác giả, có sự thay đổi như vậy là do nhu cầu vàng vào những ngày này không còn như trước, tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn sợ giai đoạn 2012-2015 vàng bị mất giá đến 45%. Ngoài ra, bạc cũng không thực sự là nơi trú ẩn an toàn cả trong hai đợt khủng hoảng vừa qua.
Kết quả tiếp theo đó là đồng CHF là nơi trú ẩn an toàn hơn USD trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, dù cả hai đều là nơi trú ẩn tốt cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, công trái của Mỹ vẫn là nơi trú ẩn an toàn qua cả hai cuộc khủng hoảng. Thú vị hơn, mặc dù Mỹ là nơi có số người chết và nhiễm Covid-19 cao nhất, các nhà đầu tư vẫn xem nền kinh tế này là nơi đáng tin cậy để bảo vệ tài sản của mình khi thị trường chứng khoán bị sụt giảm nghiêm trọng.
Cuối cùng, kết quả cho thấy Bitcoin là một tài sản đầu tư có rủi ro cao trong giai đoạn dịch bệnh, chứ không là nơi trú ẩn như nhiều người tin tưởng. Trong khi đó, tiền mã hóa có tài sản đảm bảo như Tehter lại cho thấy đây là một tài sản trú ẩn.
Các tác giả đi đến kết luận rằng trong khủng hoảng Covid-19, vàng và bạc khó bảo vệ được nhà đầu tư trong những ngày mà họ cần sự bảo vệ nhất. Và ngay cả các tài sản được coi là nơi trú ẩn an toàn, thì cũng không thể an toàn 100% khi thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng. Riêng đối với công trái Mỹ và đồng tiền mạnh như CHF, tính thanh khoản và hiệu quả sẽ cao hơn kim loại quý là vàng và bạc trong những ngày thị trường hỗn loạn. Đối với tiền mã hóa có tài sản đảm bảo như Tether, đây cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc của các nhà đầu tư.
Giá vàng từ cuối tháng 3-2020 đã tăng liên tục, tính đến lúc lập đỉnh 1.900 đô la Mỹ/ounce vừa qua thì đã tăng khoảng 28%. Điều này cho thấy đang có xu hướng nhà đầu tư tìm đến vàng là tài sản ẩn náu. Tuy vậy, thị trường chứng khoán vẫn biến động trong biên độ bình thường. Tin tức trong những ngày tới liên quan đến diễn biến mới của dịch Covid-19, căng thẳng Mỹ – Trung, kết quả kinh doanh quí 2, và các quyết định quan trọng về kinh tế đến từ Mỹ có thể tạo ra những ngày chao đảo mới cho thị trường chứng khoán. Chúng ta sẽ biết được khi đó, vàng hay các tài sản trú ẩn tạm thời khác có thực sự là nơi trú ẩn như những lần trước hay không, trong những ngày chứng khoán rực lửa.
Võ Đình Trí