Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2022. Theo báo cáo, thị trường quý này đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn cùng kỳ năm 2021.
Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao, hầu như không phát sinh lượng bất động sản tồn kho mới. Tỉ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần… Thị trường bất động sản đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng.
Theo báo cáo, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm. Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản, ngoài ra việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu,… cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.
Nhà ở, đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong nửa đầu năm 2022, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội, tuy nhiên, nguồn cung cho phân khúc này tương đối ít.
Trong khi đó, sản phẩm chủ đạo trên thị trường trong quý II vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp có giá từ 30-50 triệu đồng/m2. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. HCM một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao lên đến 300-325 triệu đồng/m2…
Tại nhiều địa phương (như Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Đắk Lắk,…) đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất ở, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm và lợi dụng các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng để phân lô, tách thửa và chào bán tràn lan gây mất ổn định cho thị trường bất động sản. Trước tình hình đó, cơ quan quản lý tại các địa phương đã phải đưa ra các biện pháp ngăn chặn như siết chặt, dừng việc phân lô bán nền đối với các giao dịch đất đai trên địa bàn.
Ngoài ra, để “siết” lại tình trạng này, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Đồng thời, theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn; Tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về kinh doanh bất động sản, đất đai, xây dựng…
Bộ Xây dựng cho biết, giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc tập trung trong quý I/2022 chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II/2022. Theo Bộ Xây dựng, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án trong quý II/2022 đang có xu hướng chững lại ở hầu hết các địa phương khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại.
Tổng Hợp