Trần Phương Bình từng được đánh giá là một trong những nhân vật tài năng nhất trong ngành ngân hàng nhưng với quyết định mang tính “đánh bạc” vào vàng, mọi thứ dường như đã chấm hết với người đàn ông này…
Không kịp trở tay trước biến động của thị trường
Thời điểm bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) và một số lãnh đạo ngân hàng Á Châu dính sai phạm và bị bắt năm 2012 đánh dấu hiện tượng “ngã ngựa” của hàng loạt sếp ngân hàng. 2016 cũng là một năm có nhiều biến động với các vị trí lãnh đạo của các nhà băng, trong đó có ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).
Ông Trần Phương Bình thời còn đương chức.
Ông Trần Phương Bình sinh năm 1959, là cử nhân kinh tế – một trong những nhân vật gắn bó với DongABank từ những ngày đầu ngân hàng thành lập. Trước khi trở thành Tổng giám đốc vào năm 1998, ông chưa từng có kinh nghiệm hay chuyên môn về lĩnh vực ngân hàng. Công việc trước đó của ông là giảng dạy lĩnh vực kinh tế.
Trong quá trình công tác tại DongABank, ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng. Tính đến ngày 30/6/2014, ông Trần Phương Bình nắm giữ 15 triệu cổ phiếu tại DongABank, tương đương tỷ lệ sở hữu 3% vốn ngân hàng.
Ông cũng chính là cầu nối quan trọng giữa DongABank với các cổ đông của ngân hàng. Hầu hết những người thân của ông đều là cổ đông lớn của DongABank.
DongA Bank được thành lập vào năm 1992 với số vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng. Nhưng nhờ chiến lược đúng đắn là tập trung vào khách hàng cá nhân và tiên phong ứng dụng công nghệ mới nên ngân hàng này đã có một giai đoạn phát triển tương đối mạnh. Quãng thời gian 2006 – 2011 cũng là giai đoạn DongA Bank rực rỡ nhất với mức tăng trưởng cao, lợi tức dành cho cổ đông luôn duy trì ở mức hai con số, đỉnh điểm là mức lợi nhuận kỷ lục 947 tỷ đồng vào năm 2011. Kiến trúc sư chính cho những thành tựu này chính là vị Tổng giám đốc Trần Phương Bình.
Tuy nhiên ngay trong giai đoạn đỉnh cao, DongA Bank đã lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hướng đi mà sau này đã góp phần khiến ngân hàng tuột dốc không phanh. Do quá mạnh tay vung tiền cho các khoản vay bất động sản, nợ xấu của ngân hàng liên tục tăng cao.
Cũng trong giai đoạn này, bên cạnh bất động sản, ông Trần Phương Bình còn chọn canh bạc khác, nguy hiểm hơn rất nhiều, đó là vàng. Ở thời điểm bắt đầu cuộc chơi với vàng, DongA Bank có rất nhiều thuận lợi cũng như cơ duyên.
Đầu năm 2011, DongA Bank là 1 trong 5 ngân hàng được ngân hàng Nhà nước cho phép bán vàng bình ổn giá. Tuy nhiên, ngay trong năm này, thị trường vàng quốc tế đã có nhiều biến động mạnh, sức cạnh tranh khốc liệt nhiều hơn so với những năm trước.
Mọi thứ tồi tệ đến mức, năm 2012, ngân hàng Nhà nước phải siết chặt kinh doanh vàng, buộc ngân hàng thương mại phải đóng ngay tài khoản vàng ở nước ngoài, sau đó là chấm dứt hoàn toàn trạng thái vàng trước 30/6/2013. Với quyết định này, canh bạc đầu tư vào vàng của DongA Bank đã hoàn toàn thất bại.
Báo cáo tài chính năm 2014 đã chỉ rõ, DongA Bank phải để lại số tiền rất lớn cho vốn huy động cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản lên đến 26.520 tỷ đồng, vượt xa mức quy định 10 – 15% tương đương 7.000-10.000 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, đây là hậu quả mà DongA Bank phải nhận sau khi đầu tư vào vàng thất bại và không loại trừ khả năng nằm chính tại kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài.
Một trong những nỗ lực cuối cùng của ông Trần Phương Bình nhằm cứu vãn tình hình của DongA Bank là thúc đẩy thương vụ thu hút vốn đầu tư của tập đoàn Kinh Đô nhưng đáng tiếc sau đó lại thất bại.
Đáng chú ý, cũng tại thời điểm trên, DongA Bank đã tiến hành kiểm tra quỹ của ngân hàng và phát hiện quỹ Hội sở và quỹ Sở giao dịch bị thiếu hụt hơn 2.000 tỷ đồng, bên cạnh đó là số vàng lên tới 62.000 lượng. Được biết, số tiền này do ông Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới xuất ra từ số vàng của khách hàng gửi tại ngân hàng để mang đi bán, lấy tiền trả các khoản thiếu hụt mà ông này đã đề nghị rút trái quy định trước đó.
Hầu tòa với nhiều sai phạm
Ông Trần Phương Bình tại tòa.
Tới tháng 8/2015, vị Tổng giám đốc này đã bị Ban kiểm soát đặc biệt của ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ chức vụ.
Ngày 9/12/2016, cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (C46), bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Phương Bình về 2 tội là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ngày 18/4/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can bổ sung đối với Trần Phương Bình về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan đến hành vi chiếm đoạt 200 tỷ đồng của ngân hàng Đông Á. Đây là giai đoạn 1 vụ án này.
Theo cáo buộc, tổng thiệt hại của DongABank trong phạm vi vụ án này là hơn 3.600 tỷ đồng. Trong đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu khống, chiếm đoạt của DongABank tổng cộng 2.057 tỷ đồng trong khoảng thời gian 2007-2014. Trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2013, ông Bình giúp Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của DongABank; mua giúp hơn 13 triệu USD nhưng chưa được thanh toán.
Đối với số tiền thiệt hại còn lại 1.551 tỷ đồng, nguyên Tổng giám đốc DongABank và các bị cáo phải chịu trách nhiệm trong việc suất quỹ sai nguyên tắc cho 219 công ty để chi lãi ngoài huy động vốn; kinh doanh ngoại hối, hơn 610 lượng vàng tài khoản…
Cuối năm 2018, Trần Phương Bình bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án chung thân về các hành vi sai phạm trên. Bản án này được TAND Tối cao giữ nguyên sau phiên phúc thẩm vào tháng 6/2019.
Trong giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ Trần Phương Bình và các đồng phạm liên quan đến các khoản vay thuộc 5 nhóm khách hàng. Việc Trần Phương Bình chuyển 500.000 USD cho 11 công ty, tổ chức và 16 cá nhân.
Ngày 15/1/2020, VKSND tối cao đã tống đạt cáo trạng, truy tố bị can Trần Phương Bình về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ông Bình sẽ tiếp tục hầu tòa khi đang thụ án chung thân.
(Theo ĐS & PL)