Về mức độ tăng trưởng của thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM trong 2 quý đầu năm, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, vẫn tăng trưởng âm nhưng độ rơi đang dần được “phanh” lại.
Cụ thể, trong quý 1/2023 hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn Thành phố tăng trưởng âm 16,2%. Nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2023, còn tăng trưởng âm 11,58% so với cùng kỳ 2022.
Doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản cũng hãm dần đà giảm: 4 tháng đầu năm giảm 14,6%; 5 tháng đầu năm giảm 11,5%; 6 tháng đầu năm giảm 8,3% so với cùng kỳ.
Từ đó, cũng giúp cho ngành xây dựng hồi phục dần khi quý 2/2023 tăng trưởng âm 19,8%, nhưng 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm còn 8,45%.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu từ nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản cũng tăng mạnh: nếu quý 1/2023 chỉ có 6,9 triệu USD thì tính đến hết 2 quý đầu năm, con số này đã lên tới 131 triệu USD. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng và sẵn sàng rót vốn cho lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.
Lý giải về những dấu hiệu tích cực của thị trường, Sở Xây dựng Tp.HCM phân tích là do toàn hệ thống chính trị nói chung và chính quyền thành phố nói riêng đã có những động thái tháo gỡ các vướng mắc pháp lý của từng dự án, có giải pháp phối hợp liên ngành để tháo gỡ những khó khăn khác nhau của các dự án; Ngân hàng nhà nước điều hành nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay…
Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, tăng cường chuyển đổi số, điều chỉnh mục danh mục đầu tư, cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, tính toán lại giá bán, thời hạn và phương thức thanh toán.
“Sự nỗ lực của các bên đã có một số kết quả tích cực, tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp, thể hiện rõ vai trò của thành phố là đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh”, Sở Xây dựng Tp.HCM nhìn nhận.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng đánh giá, sự hồi phục của thị trường chưa ổn định. Điều đó thể hiện ở số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 6 tháng đầu năm giảm 52,6% (với 689 doanh nghiệp); tổng vốn đăng ký mới đạt 26.750 tỷ đồng, giảm 63,5% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, nguồn cung mới trên thị trường vốn rất hạn chế lại ngày càng ít đi.
Trong quý 2/2023, toàn thành phố chỉ 8 dự án với tổng số 6.313 căn nhà đủ điều kiện để giao dịch sản phẩm nhà ở hình thành trong tương, giảm 18,6% so với quý 1/2023 (7.753 căn) và giảm 33,24% so với cùng kỳ quý 2/2022 (9.456 căn). Trong đó, nhà ở thương mại gồm 5.834 căn hộ chung cư và 479 nhà thấp tầng.
Điều đáng nói là những dự án này đều là những dự án được triển khai thực hiện đầu tư xây dựng từ những năm trước, đến quý 2/2023 mới hoàn tất thủ tục huy động vốn.
Cả quý 2/2023, chỉ có dự án chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ và văn phòng tại thành phố Thủ Đức với diện tích đất hơn 7.700 m2, quy mô 650 căn hộ chung cư được chấp thuận chủ trương đầu tư; 1 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới và một dự án chung cư thương mại với 166 căn hoàn thành.
Hiện trên địa bàn Thành phố đang triển khai 30 dự án nhà ở thương mại với quy mô gần 34.000 căn hộ chung cư, 222 nhà thấp tầng và 5 dự án nhà ở xã hội với 3.788 căn.
Đáng chú ý, trên địa bàn Thành phố không có dự án cho phép chuyển nhượng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để xây dựng nhà ở và không có dự án du lịch nghỉ dưỡng.
Theo Sở Xây dựng thành phố, tuy doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng do các chính sách nới lỏng của ngân hàng, nhưng dự đoán quý 3/2023, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ so với 6 tháng đầu năm do không có nhiều các dự án mới.
Tổng Hợp
(VnEconomy)