Các dự án văn phòng tại TP.HCM có tình hình hoạt động tốt nhất khu vực với công suất hoạt động 96% và giá thuê tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Savills Việt Nam vừa đưa ra nhận định về thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM vẫn được xem là có tiềm năng và hồi phục nhanh sau đại dịch.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, cho biết trong khi hầu hết thành phố có giá thuê văn phòng hạng A giảm thì Hà Nội và TP.HCM lại ổn định. Trong khu vực ASEAN, giá thuê của TP.HCM và Hà Nội chỉ xếp sau Singapore. Các dự án văn phòng tại TP.HCM có tình hình hoạt động tốt nhất khu vực với công suất hoạt động 96% và giá thuê tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thuê văn phòng hạng A tại Việt Nam so với một số thị trường trong khu vực.
Bên cạnh đó, văn phòng chất lượng cao có xu hướng hấp dẫn khách thuê nước ngoài, do đó sự quan tâm đối với hạng A sẽ tăng tỷ lệ thuận với dòng vốn FDI.
TP.HCM và Hà Nội tiếp tục thu hút nguồn FDI và nằm trong top 5 tỉnh thành có vốn FDI cao nhất, kể cả trong những tháng đầu năm nay dưới tác động của Covid-19. Dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tăng sau đại dịch và hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết trước đó.
So với các nước trong khu vực, thị trường văn phòng tại Việt Nam có nguồn cung nhỏ nhất. Tính riêng nguồn cung văn phòng hạng A đến tháng 6, cả TP.HCM và Hà Nội chỉ có hơn 730.000 m2, bằng 23% nguồn cung tại Singapore và 19% của Kuala Lumpur.
Vì vậy, nguồn cung này vẫn rất khan hiếm ở cả TP.HCM và Hà Nội. Kết quả là tỷ lệ lấp đầy cao khi bước vào cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu từ 2020.
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, nhận định tác động của dịch bệnh đến thị trường văn phòng có thể coi là không lớn, giá thuê văn phòng chỉ giảm nhẹ.
Thị trường bắt đầu chứng kiến việc các chủ nhà/chủ đầu tư đưa ra các ưu đãi ngắn hạn cho khách thuê, như giảm 10-20% tiền thuê trong một quý nhất định, hay gia tăng thời hạn miễn phí phí dịch vụ – những động thái có thể đánh giá là chưa từng có tiền lệ trước đây.
Savills Việt Nam nhìn nhận dưới tác động của đại dịch, trong quý II, thị trường bắt đầu chứng kiến sự chuyển dịch của khách thuê nhằm giảm chi phí thuê như cắt giảm diện tích và chuyển đến các tòa nhà có giá thuê thấp hơn. Lượng diện tích cho thuê thêm trong quý II của cả Hà Nội và TP.HCM đều ghi nhận số âm.
Các chủ đầu tư đã linh hoạt hơn trong áp dụng nhiều điều khoản ưu đãi để hỗ trợ khách thuê và duy trì tình hình hoạt động. Trong khi chủ nhà/chủ đầu tư các tòa hạng thấp nhanh chóng hành động, chủ nhà/chủ đầu tư ở các tòa hạng cao xử lý yêu cầu hỗ trợ tùy theo từng trường hợp cụ thể, chủ yếu cung cấp giải pháp ngắn hạn cho các khách thuê hiện hữu.
Các chuyên gia nhận định tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản thương mại sẽ chậm hơn so với sự phục hồi của nền kinh tế.