2022 là năm mà câu chuyện về thao túng giá cổ phiếu được quan tâm bởi không chỉ nhà đầu tư, mà còn toàn xã hội. Vẫn còn nhiều khe hở trong việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cần “lằn ranh đỏ” với bất bình đẳng thông tin trên thị trường chứng khoán.
Vấn đề không chỉ nằm ở câu chuyện thao túng giá cổ phiếu, mà còn nằm ở nhiều câu chuyện khác. Bất cân xứng thông tin là một trong số đó.
Việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC và nhiều người liên quan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Louis Holdings, hay cựu Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt bị bắt chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm của nó mới quan trọng.
Đó là câu hỏi về chất lượng công bố thông tin, chất lượng quản trị doanh nghiệp, hệ thống kiểm tra, giám sát các hành vi sai trái của cổ đông lớn cũng như hội đồng quản trị. Vì sao cơ quan quản lý vẫn để lọt những trường hợp này lâu như vậy? Bao nhiêu công ty tương tự vẫn chưa lộ sáng?
Có ngân hàng cũng thông tin đến các chuyên gia phân tích, nhà đầu tư tổ chức những vấn đề quan trọng nhất của một ngân hàng như tăng trưởng tín dụng, thu nhập từ lãi, chi phí dự phòng, những chỉ số trọng yếu như CAR… Các số liệu này có độ chính xác rất cao, lệch rất ít so với báo cáo tài chính mà ngân hàng công bố sau đó.
Đây là một cách hành xử phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin mà luật pháp của đa số các nước, bao gồm cả những thị trường mới nổi như Trung Quốc cũng đã cấm. Năm 2000, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã ban hành quy định thường được gọi là “Reg-FD” (Regulation Fair Disclosure). Theo đó, các công ty niêm yết không được cung cấp thông tin có tính trọng yếu cho riêng một vài chuyên viên phân tích, hay một vài nhà đầu tư tổ chức.
Quy định này hướng tới ngăn cản việc phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin ra thị trường, làm tổn hại tính hiệu quả và công bằng của thị trường. Yếu tố công bằng và bình đẳng của nhà đầu tư được nhấn mạnh khi đạo luật này được thông qua, vì nó đi chung với khuôn khổ pháp lý đảm bảo nhà đầu tư nhỏ không bị các “cá mập” gây tổn hại.
Từ Anh, Mỹ đến Trung Quốc, những hành vi này bị cấm và cơ quan quản lý thị trường sẽ phạt rất nặng cả công ty chứng khoán lẫn nhà phân tích vi phạm. Nhưng ở Việt Nam, nó được xem là hành vi bình thường.
Việt Nam đang cần một “lằn ranh đỏ”, cấm các công ty niêm yết phân biệt đối xử trong việc cung cấp thông tin cho các chủ thể tham gia thị trường, không để cho một “khách VIP” nào đó có thông tin, hưởng lợi không công bằng do bất cân xứng thông tin.
Thực tế, việc này dễ nhưng làm không dễ. Ngay cả ở Mỹ, nơi đi đầu trong quy định này và cơ quan quản lý theo dõi sát sao, kiện tụng, phạt tiền thường xuyên, vẫn có nhiều chiêu trò lách qua quy định. Bây giờ, các nhà phân tích bị buộc phải cung cấp thông tin và nội dung cuộc gặp chính thức với phía công ty niêm yết thì họ sắp xếp như vô tình gặp gỡ trong một dạ tiệc, hay một sự kiện từ thiện, hoặc âm nhạc.
Nói cách khác, ở những thị trường mà lằn ranh đỏ này được vạch ra, người ta vẫn tìm cách lách qua một cách tinh vi, và công nghệ nhiều khi là đồng phạm của họ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam chấp nhận nó một cách công khai, thoải mái. Họ làm âm thầm ở một số nước trên, mà bị bắt được thì có thể bị cấm hành nghề vĩnh viễn hoặc trong một thời gian rất dài và phạt tiền rất nặng. Đồng thời, có những thành viên ban lãnh đạo công ty niêm yết phải từ chức vì đến những cuộc hẹn bí mật như vậy.
Khi người ta chấp nhận những điều đó là bình thường thì dần dần, người ta cũng sẽ chấp nhận thao túng cổ phiếu là một đặc tính của thị trường. Việc bắt và khởi tố những người liên quan đến câu chuyện thao túng giá cổ phiếu, bao gồm việc kỷ luật một số lãnh đạo ngành chứng khoán ít nhiều đã khôi phục lại niềm tin cho giới đầu tư. Tuy nhiên, để đạt đến mức độ thiết lập lại kỷ cương, hướng đến một thị trường có chất lượng công bố thông tin tốt, quản trị doanh nghiệp theo chuẩn, có hệ thống kiểm tra, giám sát các hành vi sai trái của cổ đông lớn thì vẫn còn chặng đường dài phía trước.
Tổng Hợp