Các nhà kinh tế vẫn duy trì triển vọng cho năm 2022 nhưng cảnh báo rằng các biến thể COVID có thể làm chệch hướng tăng trưởng. Họ cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Vẫn có nhiều thách thức đối với sự phục hồi kinh tế trong năm 2022.
Tình trạng thiếu nguyên liệu và đầu vào, cùng với giá năng lượng cao hơn, đã đẩy lạm phát ở EU và Mỹ lên mức cao nhất trong nhiều năm. Điều này đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu lo sợ, khi các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải tăng lãi suất sớm để kiềm chế giá đang tăng vọt. Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết giá đã bị đẩy lên do các yếu tố tạm thời như thiếu hụt nguồn cung, giá năng lượng cao hơn và các hiệu ứng cơ bản. Họ hy vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt khi tác động của mất cân bằng cung cầu giảm xuống.
Với sự gián đoạn chuỗi cung ứng được chứng minh là dai dẳng hơn so với các dự báo trước đó, lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng nóng trong phần lớn thời gian của năm 2022. Ở Mỹ, lo ngại về lạm phát dự kiến sẽ còn lớn hơn, được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, một cuộc kích thích tài khóa lớn và tình trạng thiếu hụt lao động và nguồn cung. Cục Dự trữ Liên bang cho biết họ sẽ cắt giảm kế hoạch mua trái phiếu và báo hiệu việc tăng lãi suất vào năm 2022. Một đợt tăng lãi suất của FED có thể gây rắc rối cho một số nền kinh tế mới nổi, bao gồm Nam Phi, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo về mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và các đồng minh châu Âu. Mỹ và các đồng minh châu Âu đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm cả việc dừng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của tập đoàn thương mại OANDA, nói rằng: “Căng thẳng Mỹ-Nga là một nguy cơ to lớn có thể khiến các đồng minh phía Đông NATO gặp khó khăn. Nếu Mỹ và châu Âu ngừng đường ống Nord Stream 2, điều đó có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và khiến giá dầu tăng lên 100 USD/thùng. Giá năng lượng tăng cao có thể là sợi dây buộc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu phải đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ”.
Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ-Trung cũng căng thẳng vì Đài Loan, với việc Washington cảnh báo Bắc Kinh không nên đơn phương thay đổi hiện trạng đối với khu vực này.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm đình trệ sự phục hồi toàn cầu trong năm 2021. Những khó khăn trong vận chuyển, tình trạng thiếu container vận chuyển và nhu cầu phục hồi mạnh sau khi các hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng, đã khiến các nhà sản xuất đau đầu.
Ngành công nghiệp ô tô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà sản xuất ô tô đã buộc phải cắt giảm sản lượng do các thiết bị trung gian, đặc biệt là chất bán dẫn, vẫn thiếu nguồn cung. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang giảm bớt với việc giảm chi phí vận chuyển và xuất khẩu chip tăng, song các chuyên gia vẫn dự đoán những nút thắt về nguồn cung sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng trong năm tới. Frank Sobotka, giám đốc điều hành tại công ty vận tải và hậu cần DSV Air & Sea Germany, cho biết: “Chúng tôi dự đoán rằng tình hình này sẽ không giảm bớt vào năm 2022, ít nhất đến khi các đơn vị vận tải biển phục hồi cũng như gia tăng năng lực hoạt động”.
Vào tháng 11, thị trường tài chính dậy sóng với một nỗi lo sợ mang tên Omicron. Biến thể này có khả năng lây truyền cao đã khiến thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu sụp đổ. Ngay sau đó, thị trường toàn cầu tiếp tục chao đảo khi các nhà đầu tư vật lộn để đánh giá tác động kinh tế của biến thể mới. Chính phủ các nước cũng đã thắt chặt biện pháp đối phó nhằm duy trì đà phục hồi kinh tế. Omicron, mặc dù dễ lây truyền hơn biến thể delta, song nó sẽ không gây chết người như “người tiền nhiệm” và sẽ không né tránh khả năng miễn dịch do vaccine hoặc phương pháp điều trị hiện có tạo ra.
Khi các nhà khoa học tiếp tục phân tích dữ liệu, các chiến lược gia của JP Morgan cho biết nếu Omicron được phát hiện là “ít gây chết người hơn” thì cuối cùng nó có thể đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch.
Tổng Hợp