Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa “tuýt còi” xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup, Apec Group cùng 1 công ty chứng khoán do có hành vi chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho đối tượng nhà đầu tư không xác định mà không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chiếm đến 94,5% trong khi trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng chỉ chiếm 5,5% tổng khối lượng phát hành. Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là các nhà phát hành lớn nhất trên thị trường, chiếm lần lượt 34% và 27,7% tổng khối lượng phát hành. Đáng quan ngại, chất lượng doanh nghiệp phát hành “vàng thau lẫn lộn”.
Bộ Tài chính cũng lưu ý: tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp, do đó, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này. Bộ cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.
Để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, ngày 3/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký văn bản số 13838 yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Bộ Tài chính chỉ rõ, trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. Tại một hội thảo gần đây, các chuyên gia đến từ đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings bày tỏ sự lo ngại với những nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. Tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết leo cao ở mức 8,1 lần.
Đồng thời, tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. “Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật”, văn bản Bộ Tài chính nêu. Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 09 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp phát hành là VsetGroup và Apec Group cùng 1 công ty chứng khoán.
Theo lời giới thiệu, Apec Group là tập đoàn đa ngành với tổng tài sản gần 10.000 tỷ đồng, sở hữu 3 công ty con được niêm yết sàn chứng khoán gồm Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API). Tập đoàn này đang là chủ đầu tư và phát triển hàng loạt dự án tại nhiều tỉnh thành như Phú Yên, Ninh Thuận, Huế, Bắc Ninh, Bắc Giang,… Hàng loạt dự án do Apec Group triển khai như Apec Golden Valley Mường Lò, Apec Diamond Park Lạng Sơn, Apec Royal Park Huế… Trên trang web traiphieu.abond.com.vn của Apec Group, tập đoàn này cho biết thời gian qua huy động thành công 6.263 tỷ đồng từ 15.163 nhà đầu tư.
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)