UBND Tp.HCM đã hủy bỏ 108 dự án (không thuộc trường hợp HĐND TP thông qua thu hồi đất có trong kế hoạch SDĐ nhưng quá ba năm không thực hiện, SDĐ lúa). Đồng thời, UBND Tp.HCM cũng trình HĐND TP thông qua huỷ bỏ 61 dự án thu hồi đất và chuyển mục đích SDĐ trồng lúa đã được HĐND TP quyết nghị trước đây.
Sở TN&MT cho biết số lượng dự án, công trình đến nay chưa triển khai thực hiện chủ yếu là các công trình cải tạo, chỉnh trang nông thôn, công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi. Nguyên nhân là các địa phương cân đối lại nguồn vốn, tập trung một số điểm, chưa vận động xã hội hóa được. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên phải thay đổi địa điểm.
Các dự án trong kế hoạch SDĐ hằng năm được duyệt đa số có quy mô lớn, đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục thu hồi đất, tổ chức bồi thường; các thủ tục đầu tư dự án để được giao đất hoặc thuê đất. Việc thực hiện các thủ tục này đối với các dự án SDĐ quy mô lớn rất phức tạp, mất nhiều thời gian.
Để việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ đạt kết quả cao hơn, TP tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ, quản lý, SDĐ góp phần phát hiện, kiến nghị, xử lý các tồn tại, vi phạm pháp luật về đất đai tại các địa phương. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp tập trung thực hiện dự án cần thu hồi đất đã được HĐND TP thông qua, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.
Trong số các nghị quyết được thông qua, nghị quyết về danh mục hủy bỏ đối với 61 dự án thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn đã được HĐND TP.HCM thông qua vào các năm 2015, 2016, 2017 được người dân kỳ vọng bởi tình trạng dự án treo, quy hoạch treo đã xâm phạm quyền lợi của người dân nhiều năm qua.
Trong danh sách 61 dự án bị thu hồi có một số dự án nằm trên “đất vàng” ở trung tâm TP.HCM, kéo dài nhiều năm nhưng chậm triển khai, điển hình là dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện. Kế tiếp là dự án khu phức hợp Đồng Khởi – Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế (P.Bến Nghé, Q.1) chưa lựa chọn được nhà đầu tư vì đang chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng, dự án này đã quá 3 năm chưa triển khai.
Trong danh sách này còn có một số chung cư cũ ở Q.5 như: 1147 – 1149 Trần Hưng Đạo, 62 Lương Nhữ Học, 171 – 177 Phùng Hưng qua kiểm định chất lượng xác định đây là chung cư cũ cấp độ C nhưng chưa đạt được sự đồng thuận của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư theo điều 110 luật Nhà ở, chưa lựa chọn được chủ đầu tư để thực hiện dự án nên bị hủy bỏ. Ngoài ra, 4 dự án tạo quỹ đất tham gia đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên địa bàn Q.Thủ Đức cũng bị hủy bỏ do đang rà lại trình tự thủ tục đầu tư theo quy định mới về các dự án BT.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng thông qua mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM (gọi tắt là thu phí cảng biển), áp dụng từ ngày 1.7.2021. Mức thu thấp nhất là 15.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet. Việc thu phí áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mà thanh toán qua hệ thống 24/7 của Hải quan TP.HCM. Sau khi trừ tỷ lệ trích để lại phục vụ công tác thu phí tối đa không quá 1,5% trên tổng số phí thu được, nguồn thu còn lại được nộp vào ngân sách để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn. Sở GTVT TP cho biết với mức phí được ban hành, dự kiến mỗi năm thu về hơn 3.000 tỉ đồng.
Tổng Hợp