Ngành bán lẻ tiếp tục chứng tỏ sức hấp dẫn vượt trội với nhiều doanh nghiệp trong mảng thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng và thương mại điện tử ghi nhận tăng trưởng mạnh, kể cả trong bối cảnh đại dịch hoành hành.
Hệ thống Vinmart vẫn phát triển mạnh sau khi được chuyển từ Vingroup về Masan.
Bán lẻ tăng mạnh giữa “bão”
Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố sơ bộ tình hình kinh doanh của tập đoàn và các công ty thành viên trong quý 1/2020, trong đó doanh thu bán lẻ của VinCommerce (doanh nghiệp sở hữu VinMart, VinMart+) tăng 40% so với cùng kỳ lên hơn 8,7 ngàn tỷ đồng.
Đây là quý đầu tiên Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tiếp quản hệ thống bán lẻ vốn được tỷ phú Phạm Nhật Vượng gầy dựng trong 5 năm trước đó. Trong ngày cuối cùng của năm 2019, Tập đoàn Vingroup đã chuyển nhượng hơn 64% cổ phần trong Công ty VCM (đơn vị sở hữu VinCommerce và VinEco) cho Masan và thu về khoản lợi nhuận hơn 8,5 ngàn tỷ đồng.
Như vậy, chuỗi cửa hàng và siêu thị lớn nhất Việt Nam đã có kết quả hoạt động vượt trội so với mong đợi của nhiều nhà đầu tư và đã xóa tan nghi ngờ về một triển vọng u ám sau khi Vingroup thoái vốn.
Lợi nhuận không được công bố cụ thể nhưng Masan cho biết biên Ebitda (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) của công ty này tăng thêm 5% so với quý liền trước (IV/2019) nhờ tăng hiệu suất nhân viên tại cửa hàng, cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp và tăng doanh thu trung bình trên mỗi mét vuông.
Biên lợi nhuận gộp của chuỗi này được cải thiện do biên doanh thu trên giá vốn tốt hơn khi giảm tỷ trọng doanh thu bán sỉ và đạt được chính sách mua hàng thuận lợi hơn với nhà cung cấp.
Đại gia bán lẻ điện thoại di động, điện máy và thực phẩm Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài cũng ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý 1 tăng trưởng 17%, lên gần 29,4 ngàn tỷ đồng, nhờ doanh thu tăng vọt lên trên 1,9 ngàn tỷ động của chuỗi Bách Hóa Xanh.
Lợi nhuận sau thuế của MWG tăng 9% lên 1.132 tỷ đồng. Doanh thu mảng máy tính xách tay tăng mạnh, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước do nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch Covid-19 tăng vọt.
Doanh thu của MWG tăng bất chấp cuối tháng 3 doanh nghiệp này đã đóng cửa khoảng 10% tổng số cửa hàng Thế Giới Đi Động và Điện máy xanh. Doanh thu bán hàng online và qua điện thoại của doanh nghiệp tăng mạnh.
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung cũng ghi nhận doanh thu bán vàng miếng tăng thêm 5% lên 5.000 tỷ đồng bất chấp doanh nghiệp này phải đóng một loạt cửa hàng do dịch Covid-19.
Tốp các doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Việt Nam.
Triển vọng còn lớn
Doanh thu của PNJ tăng chủ yếu do doanh nghiệp này đẩy mạnh hoạt động bán hàng online, marketing thông qua hình thức livestream, giao tận nhà,… để bù đắp lại sự thiếu hụt doanh thu vì phải đóng cửa hàng để ứng phó với dịch bệnh.
Theo kế hoạch, PNJ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 13% trong năm 2020 và dự kiến mở thêm 31 cửa hàng. Doanh thu năm 2020 dự kiến tăng 12% lên trên 19 ngàn tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến giữ nguyên ở mức 18%.
Một thông tin đáng chú ý ông lớn Doji của đại gia Đỗ Minh Phú đã hoàn tất thương vụ tiếp quản Công ty Thế Giới Kim Cương để nâng mạng lưới bán lẻ trang sức lên khoảng 200 điểm trong cuộc đua tranh với PNJ.
Doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc Doji gần đây tăng trưởng rất mạnh, trong khi Thế giới Kim Cương có doanh thu hàng năm ước tính lên tới nhiều ngàn tỷ đồng.
Sở dĩ các doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng khá ấn tượng giữa thời dịch bệnh là bởi đã có phương án ứng phó linh hoạt, tìm kiếm và tiếp cận cơ hội mới để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Sự dịch chuyển cách thức mua sắm của người tiêu dùng đã thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam như hệ thống Vinmart, hệ thống Co.Op Mart, Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, Bách Hóa Xanh, PNJ, Doji,… chuyển đổi hoặc tăng cường tập trung cho hình thức kinh doanh trực tuyến để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tăng doanh thu.
Theo CBRE Vietnam, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam trong quý 1/2020 vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhất là từ mảng thương mại điện tử, bán hàng trên mạng và dịch vụ giao nhận.
Riêng mảng thương mại điện tử, Tiki phát triển với tốc độ nhanh nhất và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút, trong khi số đơn hàng của SpeedL (trực thuộc Lotte, Hàn Quốc) tăng 2-3 lần, số đơn trực tuyến và đặt hàng qua điện thoại của Saigon Co.op tăng 4-5 lần…
Còn theo báo cáo của Nielsen Việt Nam, trong quý 1/2020, 25% số người được hỏi nói rằng, họ đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.
Trên thế giới, xu hướng các doanh nghiệp bán lẻ lớn đẩy mạnh bán hàng trực tuyến cũng rõ ràng hơn bao giờ hết. Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart trong thập niên qua đã có nhiều thay đổi, thích nghi theo hướng đẩy mạnh thương mại điện tử để đối đầu với sự trỗi dậy của đối thủ cạnh tranh như Amazon.
Ngay từ 2009, người mua hàng Walmart có thể đặt mua sản phẩm ngay trên trang web của chuỗi siêu thị này. Còn ngày nay, mảng thương mại điện tử là một bộ phận lớn của Walmart sau những vụ thôn tính như: Jet.com, Flipkart, Moosejaw, Bonobos và Shoes.com. Khả năng giao hàng của Walmart cũng tiến bộ vượt bậc với gần ngàn địa điểm Walmart có cung cấp tùy chọn giao hàng cho khách của mình.
Tại Việt Nam, không phải chờ đến khi Covid-19 xảy ra các ông lớn bán lẻ mới đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trước khi bán hệ thống Vinmart cho Masan đã dấn sâu vào không gian ảo từ giữa 2019, với việc đưa vào hoạt động siêu thị ảo VinMart (Virtual Store) cùng ứng dụng mua sắm Scan&Go.
Xu hướng bán hàng trực tuyến tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ phát triển bùng nổ sau đại dịch Covid-19, trong đó, có sự góp mặt của những ông lớn bán lẻ ngoại như BigC, Metro, Lotte, Aeon.
(Theo Vietnamnet)