JPMorgan cho biết, các công ty bất động sản Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần 40% số lượng doanh nghiệp bị vỡ nợ vào năm 2023, tiếp theo là Nga với 35% và Brazil với 12%. Tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp thị trường mới nổi tăng cao…
“Chúng tôi nâng dự báo tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp có trái phiếu lợi suất của châu Á lên 10% từ 4,1% sau sự cố Country Garden và tác động lan tỏa đến các bộ phận khác của ngành”, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết trong một báo cáo khi đề cập đến nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc đang chật vật để trả nợ.
Khả năng không trả được nợ của Country Garden sẽ lấn át khả năng vỡ nợ của Evergrande – nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc – vào cuối năm 2021. Country Garden có nguy cơ vỡ nợ nếu không thể thanh toán lãi cho các lô trái phiếu trước tháng 9. Điều này xảy ra khi Evergrande đang tìm cách hoàn thành một trong những đợt tái cơ cấu nợ lớn nhất của Trung Quốc sau khi vỡ nợ gần hai năm trước.
Theo ước tính của JPMorgan, nếu Country Garden bị vỡ nợ toàn diện, nó sẽ làm tăng thêm 9,9 tỷ USD vào danh sách vỡ nợ của các doanh nghiệp có trái phiếu lợi suất cao ở thị trường mới nổi từ đầu năm đến nay.
Đồng thời, điều này cũng sẽ đưa tổng số vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc lên 17 tỷ USD trong năm nay và thêm vào 100 tỷ USD đã vỡ nợ trong lĩnh vực này trong hai năm rưỡi qua.
Dự báo tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp Mỹ Latinh cũng được tăng lên 7,1% từ 6,6% do các dấu hiệu cho thấy Tập đoàn Odebrecht Engenharia e Construcao (OEC) của Brazil dường như đang bắt đầu một đợt tái cơ cấu khác có thể ảnh hưởng tới lô trái phiếu 1,9 tỷ USD.
Dự báo tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp tại thị trường mới nổi châu Âu đã được nâng lên 23,4% từ 15,7%. Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết điều đó phản ánh các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Nga, hầu hết trong số đó có bản chất là “kỹ thuật” vì các lệnh trừng phạt đã ngăn cản các công ty có thể thanh toán trái phiếu cho các nhà đầu tư quốc tế.
Tổng Hợp
(ĐTCK)