Ngân hàng ráo riết xử lý nợ xấu bất động sản, tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại thời điểm cuối tháng 7 là 2,58%.
Một số ngân hàng thời gian gần đây liên tục rao bán các khoản nợ, thanh lý tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu. Trong đó có những khoản nợ giá trị lớn phải hạ giá và rao bán nhiều lần.
Đơn cử, Agribank đang tìm cách thu hồi hơn 1.000 tỷ cho các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh vay.
Cụ thể, hồi đầu tháng 8, Agribank chi nhánh Tràng An đã rao bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng, trong đó có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải.
Nhiều khoản nợ trong số này đã được rao bán tới lần thứ 4.
Ngoài ra, ngân hàng này mới đây cũng thông báo bán đấu giá (lần 3) khoản nợ của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc (Công ty Hoàng Hải Phú Quốc). Ba khoản nợ này có tổng giá khởi điểm là hơn 381 tỷ đồng, giảm hơn 43 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên,…
Trong khi đó, Agribank Chi nhánh Đống Đa ngày 4/10 thông báo bán đấu giá lần 2 khoản nợ của CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) – chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của doanh nghiệp này là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đấu giá gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án “Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia – Khu B” tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang.
Giá khởi điểm cho khoản nợ lần này là gần 1.031 tỷ đồng, giảm hơn 110 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 9.
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank AMC LTD) vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ gần 280 tỷ đồng của Công ty TNHH Suối Cát tại Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là toàn bộ Khu vui chơi giải trí Suối Cát (xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết); 3 QSDĐ tại số 383 Trần Quý Cáp, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết và rất nhiều tài sản hình thành trong tương lai tại dự án.
Một ngân hàng khác là VietinBank – Chi nhánh Bắc Sài Gòn vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 4 khoản nợ hơn 560 tỷ đồng của CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay.
Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn 2015 – 2018. Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon tại Phường 10, TP Đà Lạt; quyền tài sản từ phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches ngày 20/9/2015 với CTCP Đầu tư Thảo Điền; 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Giá khởi điểm toàn bộ khoản nợ là 265 tỷ đồng, giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán gần nhất (tháng 7/2023),…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay bất động sản tính tới cuối tháng 7 đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Số dư nợ này chiếm tỷ trọng 21% so với tín dụng toàn nền kinh tế.
Trong khi tín dụng vào bất động sản có xu hướng tăng chậm lại thì nợ xấu của lĩnh vực này lại có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại thời điểm cuối tháng 7 là 2,58%, tăng 0,11 điểm % so với cuối tháng 6 và tăng mạnh so với mức 1,8% vào cuối tháng 7 năm ngoái.
Nguy cơ nợ xấu bất động sản “phình to” đã được cảnh báo từ năm ngoái khi giai đoạn 2023 – 2024 là điểm rơi đáo hạn một lượng rất lớn trái phiếu doanh nghiệp. Việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng được đánh giá sẽ không dễ trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường địa ốc ảm đạm khiến việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản càng gặp khó.
“Nợ xấu ngân hàng tăng so với thời điểm cuối năm 2022 là điều dễ hiểu. Khi đến hạn trả nợ mà các chủ đầu tư bất động sản và người vay mua bất động sản không trả được nợ do bán không được dẫn đến quá kỳ hạn, nợ xấu mới từ từ tăng”, một vị chuyên gia nói với người viết.
Vị này cho hay, vào giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, tại Mỹ, có những bất động sản ở bang California giảm từ 1 triệu USD xuống còn vài trăm nghìn USD là bình thường. Việc xử lý nợ ở Mỹ rất nhanh, đến hạn không trở được nợ họ sẽ phát mãi tài sản. Họ sẽ đấu giá công khai, nếu người mua không mua thì họ sẽ giảm tiếp đến khi nào có người mua thì thôi. Kéo theo đó giá bất động sản giảm.
Còn tại Việt Nam, theo chuyên gia, thủ tục phát mãi dài hơn, phải mất đâu đó khoảng gần 1 năm. Trong khi phát mãi lần một không được thì phải có lần 2, 3, 4,… Điều này khiến cho các ngân hàng xử lý nợ khó hơn ở Mỹ và do đó, giá bất động sản sẽ khó bị “down” mạnh. Tuy vậy, ngân hàng cũng phải giảm giá bất động sản để xử lý nợ, nếu không nợ xấu sẽ tăng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng bày tỏ: “Tôi rất mừng khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 bởi tôi đồng ý rằng cần phải siết lại tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản và phải siết lại trong sự hợp lý. Tôi mong muốn nguồn vốn tín dụng chảy vào bất động sản nhiều hơn nhưng nguồn vốn đó phải được kiểm soát và đi đúng nơi, đúng chỗ. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng dòng tiền chảy ồ ạt vào bất động sản giống như hơn 10 năm trước”, vị này nói.
Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, Ngân hàng Nhà nước lại ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số khoản của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN).
Theo đó, nhà điều hành tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại cho vay để đảo nợ, cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh (chưa thể ký hợp đồng mua bán với khách hàng).
Tổng Hợp
(VietnamBiz)