Về lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ “bong bóng” chuyển sang nguy cơ “suy thoái”.
Ngoài ra, các vấn đề như thiếu nguồn cung ở các phân khúc vẫn tồn tại, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ…
“Có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực”, Bộ Xây dựng nêu loạt bất cập.
Bộ Xây dựng nhìn nhận, trong nước các hoạt động kinh tế, xã hội chuyển từ thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh, ổn định hơn. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập, vấn đề tích tụ, tồn đọng lâu ngày bộc lộ rõ nét hơn trước tác động của bối cảnh biến động khó lường.
Ngành xây dựng tuy đã đạt được một số kết quả tích cực trong năm nay nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nội tại như tốc độ tăng trưởng không cao, năng suất lao động thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế, các khó khăn tồn đọng, tích tụ nhiều năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng có xu hướng suy giảm, gặp nhiều thách thức.
Về thị trường bất động sản năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ này cũng nhấn mạnh sẽ thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Bộ Xây dựng thẳng thắn thừa nhận việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của bộ năm 2022 còn chậm theo tiến độ được giao. Nguyên nhân là các văn bản pháp luật của ngành có nội dung rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, sự phối hợp tham gia soạn thảo, góp ý đôi khi chưa chặt chẽ, khoa học, chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm thời gian theo yêu cầu.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, trong đó để cập tới hàng loạt khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt, nổi trội là việc cắt giảm nhân sự.
Câu chuyện về những công ty phát triển dự án đang tái cơ cấu, phân chia, bố trí lại nhân lực một cách phù hợp hơn để hướng tới sự kiêm nhiệm, đa nhiệm dần trở nên phổ biến trong ngành. Bên cạnh là việc tạm hoãn triển khai các dự án địa ốc.
Đại diện của một công ty môi giới BĐS tại TP. Thủ Đức cho biết, đây là thực trạng chung trên thị trường BĐS tại TP. HCM hiện nay. Trước những khó khăn như vậy, các doanh nghiệp trong ngành buộc phải cắt giảm lao động, có thể giảm tới 50% nhân sự và chủ yếu thuộc bộ phận bán hàng.
Có nhiều doanh nghiệp còn loay hoay, tìm cách thay đổi chiến lược kinh doanh, họ phải chọn con đường khó đi nhất là thu hẹp quy mô hoạt động và cắt giảm người làm để tiếp tục duy trì công ty.
Theo chia sẻ của đại diện một đơn vị kinh doanh BĐS, ban điều hành luôn chú trọng tới quyền lợi nhân viên nhằm giữ chân lao động qua việc chi trả lương thưởng đúng hạn, cùng những chính sách phúc lợi đầy đủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện nay buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi phí, gồm cả lương, thưởng vào những ngày lễ, tết và cũng cho nghỉ khoảng 20% nhân viên.
Thống kê không chính thức từ hội ngành nghề cho thấy, trong một năm nay, số lượng môi giới BĐS bị nghỉ việc đã lên đến hàng trăm ngàn người, làn sóng này vẫn chưa dừng lại.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM – Ông Lê Hoàng Châu cho biết, đã có trên 300.000 người hành nghề môi giới BĐS, tuy nhiên chỉ khoảng 10% số này có chứng chỉ hành nghề. Đa số là môi giới hoạt động tự do theo kiểu “cò đất”, “cò nhà”.
Thời gian qua, sự thiếu hụt nguồn nhân lực môi giới chuyên nghiệp cũng là một nguyên nhân khiến thị trường BĐS rơi vào tình trạng khó khăn, bị thổi giá, đẩy giá, nhiều giao dịch ảo và tạo sự khan hiếm… gây ra những cơn sốt giá ảo trên thị trường.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Reatimes)