Nếu như áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát thì áp lực mất giá tiền đồng hiện vẫn lớn. Kể từ khi mở lại kênh tín phiếu từ ngày 21/9/2023 đến ngày 13/10, Ngân hàng Nhà nước đã hút về gần 206.000 tỷ đồng.
Trong hai phiên gần nhất, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tốc độ hút tiền sau khi lãi suất trúng thầu và lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang có xu hướng đi xuống so với đầu tháng 10, cho thấy dấu hiệu dư thanh khoản vẫn hiện hữu.
Tuy nhiên, trong công bố mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 đạt 6,92% so với đầu năm.
Động thái hút tiền và diễn biến tích cực hơn của tín dụng hàm ý hai điều: thứ nhất, chênh lệch lãi suất USD-VND bắt đầu thu hẹp là yếu tố tích cực nhằm giảm bớt áp lực đối với tỷ giá; thứ hai, cầu tín dụng có thể phục hồi như kỳ vọng trong các tháng cuối năm.
Nhìn lại quý III/2023, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng chịu áp lực tăng, lên quanh mức 24.300, tăng khoảng 3%. Xu hướng giảm của VND so với USD có sự tương đồng với nhiều đồng tiền khác trên thế giới.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY) chứng kiến đà tăng mạnh, khoảng 4%, lên trên 106 – mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Có nhiều yếu tố giúp USD lên giá so với 6 loại ngoại tệ mạnh và phổ biến khác. Một mặt, số liệu kinh tế Mỹ cho thấy bức tranh tích cực của nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới, đặc biệt là về mặt tiêu dùng. Điều này trái ngược với kinh tế tại EU và Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với những câu chuyện nội tại như sản xuất gặp nhiều khó khăn tại EU, suy giảm lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc.
Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục phát đi thông điệp sẽ duy trì lãi suất ở mức cao để giảm áp lực lạm phát. Theo biểu đồ Dot plot gần nhất vào tháng 9, dự kiến Fed sẽ còn một lần tăng lãi suất trong năm nay và chỉ giảm nhẹ khoảng 0,5%/năm trong năm tới.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, chênh lệch lãi suất USD-VND kỳ hạn qua đêm cũng như 1 tuần ở mức cao, bình quân quanh mức -4%/năm (lãi suất USD trên 5%/năm, lãi suất VND dưới 1%/năm), do thanh khoản VND dồi dào và Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách điều hành nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến cho việc nắm giữ VND trở nên kém hấp dẫn hơn so với USD về mặt lợi ích và là môi trường kém thuận lợi cho tỷ giá USD/VND.
“Trạng thái cung – cầu ngoại tệ cũng có phần kém tích cực hơn, ước tính chỉ đạt thặng dư khoảng 1 tỷ USD so với giai đoạn thặng dư khoảng 11 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Một số nguồn cung cơ bản như giải ngân FDI, cán cân thương mại duy trì khá tích cực. Tuy nhiên, nhu cầu ngoại tệ nhằm bảo hiểm rủi ro có xu hướng tăng cao trong giai đoạn thị trường biến động mạnh”, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định.
Vị lãnh đạo BIDV cho rằng, áp lực lên tỷ giá trong quý IV/2023 vẫn còn lớn, khi môi trường quốc tế đang chứng kiến những dấu hiệu kém thuận lợi.
Một là, mặt bằng giá cả hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là giá dầu có xu hướng tăng do vấn đề nguồn cung thắt chặt, qua đó tạo khó khăn cho các nước trong mục tiêu hạ nhiệt lạm phát.
Hai là, Fed nhiều khả năng duy trì lãi suất ở mức cao, thậm chí có thể tăng thêm lãi suất.
Ba là, tác động tiêu cực từ kinh tế EU và Trung Quốc có thể lan tỏa ra nhiều nước khác trên thế giới, qua đó củng cố tâm lý phòng thủ tìm đến đồng USD làm tài sản trú ẩn trên toàn cầu. Theo đó, chỉ số DXY được dự báo sớm tiến đến vùng 107 – 108 trong quý IV này.
Theo vị lãnh đạo BIDV, bối cảnh trong nước cũng không ủng hộ tỷ giá. Chênh lệch lãi suất USD-VND có thể cải thiện trong quý cuối năm, song dự kiến vẫn ở mức âm, bình quân kỳ hạn 1 tuần khoảng -3%/năm. Triển vọng của cung – cầu ngoại tệ trong nước cũng kém tích cực, bởi dòng vốn vào các thị trường mới nổi thường có xu hướng chậm lại trong giai đoạn đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhanh, đồng thời nhu cầu ngoại tệ có thể gia tăng trong bối cảnh nhập khẩu được dự báo tăng dần.
Mặc dù vậy, bối cảnh năm nay hoàn toàn khác với cùng kỳ năm 2022 và Ngân hàng Nhà nước về cơ bản vẫn có nhiều điểm thuận lợi để hoàn thành mục tiêu bình ổn tỷ giá. Kể từ ngày 21/9/2023, Ngân hàng Nhà nước liên tục chào thầu tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày và khối lượng tích lũy lớn dần. Theo đó, cơ quan này có đủ công cụ và nguồn lực để có thể can thiệp ổn định tỷ giá trong giai đoạn tới.
“Với kỳ vọng các giải pháp ổn định tỷ giá đến từ cơ quan quản lý có thể khiến đà tăng của tỷ giá chậm lại. Dự báo, tỷ giá USD/VND có thể tăng thêm khoảng 0,5% trong quý IV/2023”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Bà Trần Thị Hà My, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Rồng Việt chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi giữ nguyên quan điểm về tỷ giá sẽ biến động quanh vùng 24.500 đồng/USD và giảm trở lại vào cuối năm. Rủi ro đối với dự báo là đồng USD tăng vượt ngưỡng 110, dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước phải bán bớt dự trữ ngoại hối để đối phó với việc tiền đồng mất giá mạnh hơn”.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nêu quan điểm, áp lực tỷ giá trong giai đoạn cuối năm vẫn lớn, do chênh lệch lãi suất giữa USD và VND duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó là xu hướng mạnh lên của đồng USD và nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng.
“Dự báo, tỷ giá sẽ tăng khoảng 3,5% so với đầu năm, đạt 24.460 VND vào cuối năm. Áp lực tỷ giá sẽ là yếu tố kìm hãm xu hướng giảm của lãi suất trong thời gian tới, mặc dù khi so sánh tương quan với các nền kinh tế khác thì mức độ mất giá của VND vẫn ở trong tầm kiểm soát”, ông Đức Anh nói.
Trong diễn biến có liên quan, kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2023 mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho biết, “chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” được 71 – 75,7% tổ chức tín dụng đánh giá là nhân tố nội tại quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong 2 quý liên tiếp (quý II – III/2023) và kỳ vọng trong cả năm 2023. Đồng thời, các tổ chức tín dụng đánh giá “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước” tiếp tục là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý III/2023 và cả năm 2023, sau đó mới đến “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm, dịch vụ của đơn vị” và “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”.
Theo thống kê kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán và Agribank, tổng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối (carry trade) đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước – gấp hơn 7 lần tốc độ tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động. Chiếm phần lớn lợi nhuận và là động lực tăng trưởng chính của mảng này vẫn đến từ nhóm Big4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank). Theo đó, nhóm này ghi nhận gần 8.300 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ và chiếm 69% tổng lãi thuần toàn ngành.
Toàn bộ lợi nhuận kinh doanh ngoại hối tại nhóm Big4 đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay. Đây là hoạt động có lợi nhuận ổn định, khi nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua – giá bán giao ngay luôn được duy trì ở một mức biên xác định. Thực tế, với giá bán niêm yết trong nửa đầu năm thường xuyên cao hơn giá mua 350 – 400 đồng/USD, các ngân hàng quốc doanh có được nguồn thu lớn và ổn định từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giao ngay nhờ quy mô các giao dịch lớn. Bên cạnh đó, lợi nhuận còn đến từ hoạt động mua – bán USD giữa các ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước.
Tổng Hợp
(ĐTCK)